- Buổi họp mặt lần thứ 19 của Hội nghị thương mại quốc tế về các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng và động thực vật hoang dã, viết tắt CITES, được biết đến như CoP19, kết thúc vào ngày 25 tháng 11 tại Panama sau hai tuần thương lượng.
- Các thành viên nhà nước đồng thuận với các điều lệ thương mại mới đối với hơn 600 loài động vật và thực vật, bao gồm luật bảo vệ đối với các loài cá mập, ếch thủy tinh, rùa, chim biết hót và cây lấy gỗ nhiệt đới.
- Các chuyên gia cho rằng mặc dù những điều lệ mới này quan trọng, việc thi hành và thúc đẩy chúng sẽ mang lại hiệu quả bảo tồn đáng kể nhất.
Trong bối cảnh khủng hoảng đa dạng sinh học trên toàn cầu, nhiều quốc gia đã vừa đồng thuận về việc bảo vệ các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng như một số loài cá mập, chim biết hót, ếch thủy tinh và cây lấy gỗ nhiệt đới bằng cách điều chỉnh lại các quy định liên quan đến buôn bán và thương mại những loài này. Hành động này được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 19 Các bên tham gia Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp – CITES (COP-19) diễn ra từ 14-25/11 vừa qua tại Panama.
Sau hai tuần Hội nghị, ngày 25/11, các bên tham dự Công ước CITES đã đồng thuận về việc thành lập hoặc xem xét lại các điều khoản thương mại đối với hơn 600 loài động vật và thực vật. Các giải pháp đối nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã ưu tiên bảo vệ như báo đốm Mỹ, tê tê và voi cũng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị.
Các chuyên gia cho rằng một trong những bước tiến nổi bật nhất là quyết định đưa ra các biện pháp bảo vệ các loài cá mập mắt trắng (requiem), cá mập đầu búa và cá đuối lưỡi cày thông qua hạn chế kinh doanh bằng cách yêu cầu giấy phép xuất khẩu với các loài có trong Phụ lục II của CITES.
Bà Susan Lieberman, Phó chủ tịch về Chính sách quốc tế của Tổ chức WCS, cho rằng quyết định này là một thắng lợi lớn cho các loài cá mập này bởi vì các loài này chiếm đến 95% trong ngành thương mại vi cá mập toàn cầu.
“Cuối cùng, các hoạt động kinh doanh vi cá mập đều sẽ chịu sự ràng buộc của các điều luật để hoạt động hợp pháp và bền vững hơn. Trước đó, một vài loài cá mập đã được liệt kê trong Công ước CITES, nhưng chúng lại chiếm một tỉ lệ nhỏ trong ngành thương mại vi cá mập.”- Bà Lieberman nói.
Một số quyết định quan trọng khác được đưa trong Hội nghị là đưa tất cả 160 loại ếch thủy tinh (thuộc họ Centrolenidae) đã được biết đến vào Phụ lục II của CITES.
Theo bà Liberman: “Những loài ếch này đang suy giảm số lượng nghiêm trọng do các đối tượng buôn bán thú cảnh tìm bắt, thu mua và vận chuyển trái phép tới bán ở thị trường Châu Âu và Mỹ. Và giờ, ít nhất chúng đã có tên trong danh sách của CITES, các đối tượng buôn bán cần có giấy phép và các nước nhập khẩu có trách nhiệm kiểm tra giấy phép này.”
Rùa nước ngọt cũng thường bị buôn bán để làm cảnh, và các bên tham gia CITES đã bỏ phiếu bình chọn 52 loài rùa cần bảo vệ trong đó có cả hai loài rùa lá Matamata (Chelusfimbriata và C.orinocensis).
Ngoài ra, Hội nghị COP19 còn có quyết định đưa hai loài chim biết hót bị buôn bán phổ biến hiện nay là chim chích chòe lửa (Copsychus malabaricus) vào trong Phụ lục II của CITES, và chào mào đầu rơm (Pycnonotus zeylanicus) vào Phụ lục I của CITES.
“Đây là một kết quả tốt, nhưng tôi hi vọng rằng nó không quá trễ. Những loài chim biết hót này đang bị săn bắt không bền vững để phục vụ những cuộc thi chim hót.” – Bà Lieberman cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều loài chim biết hót khác cần được CITES bảo vệ trong tương lai. Theo nhóm chuyên gia về bảo tồn các loài chim biết hót châu Á của Tổ chức IUCN đã đưa ra danh sách 43 loài chim biết hót cần được bảo vệ khẩn cấp khỏi hoạt động kinh doanh.
Các thành viên CITES đã bỏ phiếu đưa thêm 140 loài cây lấy gỗ nhiệt đới bị đe dọa tuyệt chủng vào Phụ lục II. Quy định bảo vệ ba loài gỗ châu Phi (padauk, pod mahoganies và African mahoganies) sẽ có hiệu lực thi hành 90 ngày kể từ sau hội nghị, nhưng luật bảo vệ hai nhóm loài châu Mỹ La tinh (cumaru và trumpet) vẫn chưa có hiệu lực trong vòng hai năm tới.
Ông Colman O’Criodain, người đứng đầu về chính sách và thực thi bảo tồn động vật hoang dã của Tổ chức WWF chia sẻ: “Chúng tôi rất hài lòng về những tiến triển này nhưng cũng vô cùng tiếc nuối về sự trì hoãn hai năm đối với các loài cây châu Mỹ La tinh. Những loài cây phát triển chậm này đang bị khai thác quá mức, do đó việc được có tên trong danh sách các loài được bảo vệ là hết sức cấp thiết. Một “kì nghỉ” hai năm sẽ khiến các loài cây tiếp tục bị khai thác quá mức trong thời gian này.”
Những bước tiến quan trọng khác của Hội nghị bao gồm: bổ sung 3 loài hải sâm và 25 loài thằn lằn vào danh sách các loài thuộc Phụ lục II; giảm số lượng các chiến lợi phẩm săn bắn được cấp phép được phép xuất khẩu từ các nước châu Phi, và một số thỏa thuận chung khác trong việc kinh doanh các loài được bảo vệ theo Công ước CITES, bao gồm tê giác, báo đốm Mỹ, báo săn, tê tê và rùa biển. Các thành viên hội nghị cũng từ chối đề nghị hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh ngà voi và sừng tê giác của một số quốc gia.
Mặc dù, CITES CoP19 kết thúc với nhiều quyết định quan trọng nhưng không phải tất cả các đề nghị đều được thông qua. Chẳng hạn như đề nghị xem xét lại Phụ lục II về danh sách các loài hà mã (Hippopotamus amphibius) để nghiêm cấm các hoạt động xuất khẩu mẫu vật đã không được thông qua, mặc dù có 56 bình chọn đồng ý và 56 bầu chọn không. (Một cuộc bầu chọn cần 2/3 phiếu bầu đồng ý mới được thông qua). Các đối tượng buôn bán thường nhắm đến chiếc răng ngà và một số bộ phận cơ thể của hà mã.
Ông Stephen Carmody, Giám đốc chương trình của Tổ chức Wildlife Justice Commission coi đây là “thất bại” nghiêm trọng trong công cuộc bảo vệ hà mã. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Hội nghị là một sự thành bởi vì giờ đây đã có một số lượng lớn các loài động vật được bảo vệ bởi công ước CITES. Và ông Carmody cho rằng tội phạm động thực vật hoang dã vẫn sẽ tiếp diễn, và một “hệ thống pháp luật mạnh mẽ” phải thực thi để đối phó với vấn nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã.
“Sẽ luôn có những cơ hội để tội phạm trà trộn vào hoạt động kinh doanh này vào nếu hệ thống pháp luật không đủ mạnh mẽ. Chúng ta cần phải thúc đẩy hệ thống pháp luật này với một lực lượng thực thi pháp luật có quyền hành. Chúng ta cũng luôn sẵn sàng đặt chân lên bàn đạp ga để tiếp tục tiến lên phía trước bởi vì tội phạm luôn biến hóa, cải tiến. Và nếu chúng ta không canh chừng những cải tiến này hoặc không tự cải tiến, chúng ta sẽ luôn phải đấu tranh với những thứ như vậy.” Ông Carmody bình luận.
Tương tự, ông O’Criodain cũng cho hay những thử thách tiếp theo là việc quản lý các hoạt động kinh doanh quốc tế dựa theo những điều khoản mới của Công ước CITES.
“Với trường hợp việc lập danh sách cá mập và cá đuối, chúng ta vẫn đang gặp nhiều vấn đề trong có việc ban hành danh sách hiện tại tại một số khu vực, đặc biệt là do hoạt động đánh bắt cá ở các vùng biển ngoài khơi và đặc biệt khó khăn hơn do thiếu hụt các thống kê đầy đủ của các tổ chức quản lý đánh bắt cá ngừ tại địa phương để hỗ trợ việc lập danh sách.” – Ông O’Criodain nói.
Đầu tuần vừa rồi, Hội đồng quốc tế bảo tồn cá ngừ Đại Tây Dương (ICCAT) đã đồng ý sử dụng hạn nghạch đánh bắt cá mới dành cho toàn dân đối với cá mập mako vây ngắn có nguy cơ bị tuyệt chủng (Isurus oxyrinchus), – loài đã được thêm vào Phụ lục II của CITES năm 2019. Hạn ngạch này là giới hạn đánh bắt đối với khu vực Nam Đại Tây Dương bao gồm cả số lượng cá đánh bắt trên tàu và bị bỏ lại xuống biển. Việc làm này dự kiến sẽ giúp giảm sản lượng đánh bắt cá mập mako trên tàu xuống từ 40% đến 60% .
Ông Sonja Fordham, chủ tịch Hội bảo tồn cá mập quốc tế cho hay: “Chúng tôi mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ các quốc gia có hành động giới hạn hoạt động đánh bắt các loài cá mập được liệt kê trong danh sách của CITES vì chúng được ưu tiên hàng đầu.”
Đồng quan điểm, bà Liberman cho rằng: “tin tốt từ CITES là tin tốt cho thế giới hoang dã.” Tuy nhiên, cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ trong việc thực thi các điều luật mới và WCS sẽ làm việc với chính quyền và các bên liên quan để đảm bảo thực thi thành công các điều luật này.
“Đa dạng sinh học đang bị hủy hoại. Chúng ta đang có ba vấn nạn: sự suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và đại dịch. Tất cả đều liên quan đến hoạt động buôn bán và giao thương động thực vật hoang dã. Do đó, sẽ còn nhiều việc hơn cần phải được thực hiện. Cụ thể là có rất nhiều giống loài đang bị tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu, khiến chúng trở nên nhạy cảm hơn với việc bị khai thác quá mức.”