BVR&MT – Trong 30 năm qua, mức độ ấm lên tại châu Âu cao gấp hai lần so với phần còn lại của thế giới. Tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường ngày càng cao, gây rủi ro cho sức khỏe, tính mạng của người dân và tác động nặng nề đến nền kinh tế.
Năm 2022 chứng kiến hàng loạt “kỷ lục buồn” về vấn đề môi trường, khí hậu tại châu Âu – nơi lâu nay vốn được biết đến là khu vực có khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Đây là năm ghi nhận số vụ cháy rừng cao kỷ lục tại Liên minh châu Âu (EU) kể từ năm 2006.
Theo đó, tổng diện tích rừng bị cháy tại 27 quốc gia thành viên EU trong năm 2022 là hơn 785.000ha, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình chỉ hơn 317.000ha trong giai đoạn 2006-2021. Giới chuyên gia cảnh báo, các nước cần phải chuẩn bị tinh thần cho người dân về việc sống chung với cháy rừng xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu.
Năm 2022 cũng là năm nóng nhất tại Italia trong hơn hai thế kỷ qua. Nhiệt độ cao kỷ lục đã được ghi nhận vào mùa xuân, xuyên suốt mùa hè và cả mùa đông ở quốc gia châu Âu này.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, châu Âu đang là châu lục có mức nhiệt độ tăng nhiều nhất. Thông tin này được đưa ra sau khi Lục địa già đối mặt với một loạt hình thái thời tiết cực đoan, như các đợt sóng nhiệt kỷ lục thiêu đốt nước Anh, hiện tượng sông băng trên dãy Alps tan chảy nhanh chưa từng thấy và đợt sóng nhiệt kéo dài dưới đáy đại dương khiến nước biển Địa Trung Hải nóng hơn mức thông thường.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh, tình hình tại châu Âu như “một bức tranh tả thực” về tình trạng ấm lên toàn cầu và cũng là lời cảnh báo đối với thế giới rằng, kể cả những nơi được chuẩn bị tốt cũng không an toàn trước tác động của các hình thái thời tiết cực đoan.
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các đợt nắng nóng có thể khiến cho 90.000 người châu Âu tử vong mỗi năm cho tới cuối thế kỷ này nếu như nhân loại không có biện pháp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu. Các đợt nắng nóng khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, dân số già hóa và tiến trình đô thị hóa gia tăng là các yếu tố khiến số người tử vong tăng nhanh.
Mức độ ấm lên nhanh chóng của châu Âu còn dẫn tới hệ lụy là hủy hoại môi trường sống. Các nhà khoa học cho biết, tại các vùng nước nông có nhiệt độ ôn hòa ở Địa Trung Hải, những khu rừng san hô sừng đỏ và tím từng một thời đầy sức sống, nay đã bị tẩy trắng và trở nên yếu ớt, biến thành các khung xương khô héo. Một số sông băng nổi tiếng trên thế giới, trong đó có các sông băng trên dãy Dolomites của Italia, bị cảnh báo sẽ biến mất vào năm 2050.
Thời tiết khắc nghiệt là nhân tố cản trở sự phục hồi của nền kinh tế. Nắng nóng khiến người lao động mệt mỏi, uể oải, năng suất lao động giảm sút. Vốn là ngành nghề kinh tế nhạy cảm với khí hậu, ngành nông nghiệp tại châu Âu long đong vì hạn hán. Đất đai khô cằn khiến sản lượng nông nghiệp giảm sút và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thời tiết khắc nghiệt cũng tác động tới ngành du lịch của châu Âu.
Các chuyên gia nhận định, để giảm tác động của thời tiết khắc nghiệt đối với sức khỏe con người, các nước châu Âu cần vạch ra kế hoạch hành động nhằm làm xanh môi trường đô thị, điều chỉnh giờ giấc làm việc… Song, đây chỉ là những biện pháp mang tính tạm thời, không thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Trong bối cảnh nhân loại tiếp tục gánh chịu những tác động nghiêm trọng đến từ biến đổi khí hậu, rất cần có những hành động quyết liệt và khẩn cấp ở cấp độ toàn cầu để cứu vãn tình hình.