BVR&MT – Khu Dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (Võ Nhai) là khu vực có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất tỉnh Thái Nguyên. Khu Dự trữ giáp ranh với 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn, có hệ thực vật tự nhiên phong phú, đa dạng và nhiều loài động vật, trong đó có một số loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Những năm qua, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nơi đây.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã.
Theo đó, Ban đã chỉ đạo lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thường xuyên nghiên cứu, học tập và cập nhật các văn bản mới liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp để xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp với thực tiễn. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số đang sống trong khu vực Khu Dự trữ. Tài liệu tuyên truyền được biên soạn bảo đảm theo đúng hướng dẫn, bám sát thực tế tại khu vực quản lý, phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương.
Trong quá trình thực hiện, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh luôn phối hợp nhịp nhàng với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan. Nhờ đó, công tác tuyên truyền luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.
Ông Ma Văn Nhỏ, Trưởng xóm kiêm Tổ trưởng Tổ Quản lý, bảo vệ rừng xóm Tân Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai), chia sẻ: Hiện nay, bà con xóm Tân Thành đang được giao khoán bảo vệ 400ha rừng đặc dụng, phòng hộ với mức hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm. Hằng năm, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh đều phối hợp với UBND xã tổ chức các buổi tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. Qua đó, người dân trong xóm hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của rừng, cũng như các chính sách, quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, bà con đã có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Song song với công tác tuyên truyền, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh còn phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp được 583 buổi, với 2.056 lượt người tham gia.
Cụ thể, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai tuần tra, truy quét trên rừng được 111 buổi, với 465 lượt người tham gia; phối hợp với Tổ liên ngành (gồm các cơ quan chức năng và phòng chuyên môn của UBND huyện Võ Nhai, Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai, UBND xã Thần Sa) kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Thần Sa được 11 ngày, với 84 người tham gia, tiêu hủy 8 máy nổ, 4 máy nghiền đá, 2 máy nén khí, 2 máy bơm, 1.000m dây điện, 6.000 m vòi nhựa dẫn nước và tháo dỡ 15 lán trại; phối hợp với Kiểm lâm vùng giáp ranh các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn tổ chức 9 buổi tuần tra, với 47 lượt người tham gia…
Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện xây dựng Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Khu Dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, giai đoạn 2022-2030, trên diện tích rừng và đất rừng đặc dụng do đơn vị đang quản lý tại thị trấn Đình Cả và xã Phú Thượng (Võ Nhai).
Cùng với đó, đơn vị tiếp tục triển khai các mô hình trồng cây dược liệu với sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực. Qua đó, giúp mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình cho đồng bào.
Nhằm chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đối với khu rừng đặc dụng Thần Sa – Phượng Hoàng; đồng thời kiện toàn Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng. Các trạm bảo vệ rừng tổ chức rà soát những điểm nóng có nguy cơ xảy ra cháy rừng, tổ chức tuyên truyền sâu rộng xuống tận các thôn, bản, phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng. Đơn vị cũng thường xuyên cập nhật thông tin trên website của Cục Kiểm lâm và Chi cục Kiểm lâm về dự báo cấp cháy rừng để phối hợp với UBND các xã thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh, cho biết: Khu Dự trữ thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng có diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ giao cho đơn vị quản lý có địa bàn rộng và giáp ranh các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Thêm vào đó, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của đơn vị còn thiếu về số lượng, quản lý diện tích rừng lớn, địa hình rừng núi hiểm trở, chia cắt mạnh, có độ dốc lớn, nhất là diện tích rừng đặc dụng trên địa bàn 8 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai. Thế nhưng, anh em trong đơn vị vẫn ngày đêm bám sát cơ sở, địa bàn, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng…