BVR&MT – Có ai đó nói rằng nếu thật sự lắng nghe thiên nhiên thì có thể nghe thấy tiếng thì thầm của đất, tiếng tỉ tê, thủ thỉ của hoa lá cỏ cây. Ngoài việc nhìn thấy những cành mai, cành đào khoe sắc thì hương thơm của một loại quả tiến vua Đất Hà Thành khiến con người ta lại thấy nao nao vì Tết đang về.
Hương bưởi gọi Tết về
Nằm sát cửa ngõ phía tây Hà Nội có một vùng quê có một thứ quả đặc sản nổi danh. Tên vùng đất đã gắn với quả làm nên thương hiệu bưởi Diễn. Cứ mỗi dịp Tết, bưởi Diễn với hương và vị đặc sắc lại lên ngôi, lại được săn lùng.
Trong mâm ngũ quả ngày Tết của đa phần người Hà Nội cũng không thể thiếu bưởi, loài cây rất dung dị, đời thường đều gắn bó mật thiết với mỗi người dân Việt Nam. Những năm gần đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về, cùng với thú chơi hoa mai, hoa đào, người ta chỉ chọn những cây bưởi trĩu quả, thậm chí rất đắt tiền về đặt trong nhà chơi Tết. Có mặt từ mùa thu, đến Tết Nguyên đán, bưởi vẫn đồng hành với quất vàng, với nải chuối xanh trên mâm ngũ quả được đặt lên chính giữa mâm ngũ quả với mong muốn một năm mới sung túc, tròn đầy.
Cùng với cốm, với hồng, với cam, với chuối tiêu trứng cuốc, cùng với sắc nắng vàng tươi trong vắt, với làn gió đã chuyển sang heo may se lạnh… quả bưởi không thể thiếu, góp phần làm nên hương sắc, phong vị mùa thu đất Bắc. Ăn bưởi thì đương nhiên là ngon và thích rồi. Nhưng ăn xong nhặt hạt bưởi tách vỏ, xâu lại thành chuỗi, phơi khô rồi đốt, cháy sáng như pháo hoa với những tia lửa tinh dầu bắn tóe đã từng là niềm vui thích giản dị nhưng cũng không kém phần phấn khích của bao nhiêu đám trẻ con xưa khi buổi tối còn chưa có ti vi, game hay internet như bây giờ. Còn nhớ những ngày còn ở nhà với mẹ, mỗi lần bóc vỏ bưởi xong mẹ không cho vứt đi mà để phơi cho héo rồi đem đun nước gội đầu cho hai chị em hoặc để xông cho thơm nhà vào ngày 30 Tết.
Cứ thế, hương bưởi diễn trở thành một phần đặc trưng không thể thiếu trong cái Tết của người Hà Nội. Để rồi mỗi độ xuân về, thấy người ta chở những cây, những sọt chất đầy bưởi là lại thấy nao nao vì Tết đang về.
Bưởi Diễn tiến vua đất Hà Thành
Vào khoảng tháng 11, 12 âm lịch hàng năm, người dân tại thủ phủ bưởi Diễn lại tất bật với những đơn hàng cung cấp cho khách lẻ, thương lái và các cửa hàng. Năm nay điều kiện thời tiết thuận lợi, bà con đều phấn khởi vì sản lượng tốt và mẫu mã đẹp. Theo chủ vườn Dũng Thu, năm nay, nhà vườn cung cấp ra thị trường 2 loại bưởi, loại thứ nhất quả ngon được bán với giá 35.000 – 40.000 đồng/quả, còn loại chất lượng thấp hơn, giá dao động từ 20.000 – 25.000 đồng/quả. Hầu hết các vườn đều đang trong quá trình thu hoạch cho dịp tết Nguyên Đán, nhiều nhà vườn gần như đã có khách đặt hàng.
Bưởi Diễn thường trái nhỏ, khi chín có màu vàng đỏ, gốc bưởi càng lâu năm thì tép bưởi càng ngọt. Bưởi Diễn không chỉ hấp dẫn bởi lớp vỏ mỏng tang vàng ươm khi ngả chín, mà còn bởi tép bưởi bên trong thật mọng nước và ngọt lành. Những tép bưởi vàng tươi, mọng mà không nát, vị ngọt đậm đà cùng mùi hương đặc sắc khiến cho người ta muốn thưởng thức không chỉ một lần. Đặc biệt là cả cây bưởi Diễn phần nào cũng rất thơm. Thơm từ mùi lá hăng hăng, các cô thích cho vào nồi luộc ốc. Thơm từ hoa, khi những chùm bông trổ trắng đầu mùa. Đến lúc quả chín thì hương trái thoang thoảng. Lúc “để dành” trong góc nhà, quả bưởi hơi héo lại, “xuống nước”, thì hương càng đậm, tỏa ra mà ai đến nhà cũng biết.
Không giống bưởi Năm Roi cũng tép vàng mang vị ngọt nhẹ lẫn chua thanh, bưởi Diễn ngọt đậm, thơm mát rất đặc trưng, không hề có cảm giác he hay xốp. Nhưng có một điều lạ mà sau này đem hỏi một người quen ở Hà Nội, được xác nhận đúng như cảm nhận là vị bưởi Diễn có lẫn chút ngăm ngăm đắng. Theo một nhà vườn trồng bưởi ở đất Diễn, đó hẳn cũng là một nét đặc trưng không nhầm lẫn của bưởi Diễn Hà thành. Thậm chí, chủ vườn còn ví von việc thưởng thức hương vị bưởi Diễn cũng giống như thưởng trà ngon. Một chút đắng ban đầu sẽ tan dần đi để sau cùng chỉ còn lại vị ngọt hài hòa trong miệng.
Nhưng dù qua năm qua tháng, mùi vị của loại quả mà tuổi đời của cây càng già cỗi thì trái đậu đến mùa thu hoạch lại càng ngọt đậm, thơm ngon hơn vẫn còn vương lại nơi tiềm thức, nhắc chúng ta nhớ về vùng đất đã nuôi dưỡng đời cây cỗi cằn để chờ những mùa quả vàng ngọt ngon, hương đưa xa mãi.
Hà Linh