BVR&MT – Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, Chánh văn phòng Điều phối chương trình Nông thôn mới tỉnh Yên Bái cho biết, trong giai đoạn mới Yên Bái phấn đấu xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, các sẩn phẩm thuộc Chương trình Mỗi địa phương một sản phẩm (OCOP) được gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái Phạm Trung Lân, Sở đã tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP trong tất cả các hoạt động xúc tiến thương mại. Kết quả, đã có nhiều chủ thể OCOP ký kết hợp đồng với các siêu thị, trung tâm thương mại; thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp đều có doanh thu tăng trưởng tốt, thu nhập của người nông dân cũng từng bước ổn định và tăng lên. Ngoài ra, tỉnh Yên Bái còn đẩy mạnh chương trình hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử…
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, điển hình; trong đó, phải kể tới huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trạm Tấu. Mặc dù là một trong hai địa bàn khó khăn nhất của Yên Bái, nhưng đến nay Trạm Tấu đã xây dựng được 8 sản phẩm OCOP 3 sao; trong đó, phải kể tới sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu và sản phẩm du lịch Suối khoáng nóng Cường Hải.
Ông Nguyễn Thành Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, kể từ khi sản phẩm khoai sọ nương Trạm Tấu được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đến nay, giá trị sản phẩm được nâng cao và đã có mặt trên tất cả các tỉnh thành trong nước. Đặc biệt, người dân sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí không có đủ sản phẩm để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Để cây khoai sọ nương Trạm Tấu phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân, huyện đã thành lập Hợp tác xã Kinh doanh sản xuất và dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy với mục tiêu tư vấn, hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực giúp đỡ nông dân trồng, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời huyện còn thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoai sọ năm 2021” với chủ trương chỉ đạo đẩy mạnh trồng khoai sọ trên đất nương rẫy, chuyển diện tích đất đồi trồng cây hàng năm khác có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng khoai sọ, từng bước phát huy cây trồng chủ lực đặc sản của huyện, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó, cây khoai sọ nương Trạm Tấu đã từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm khoai sọ nương, phát triển một số vùng sản xuất tập trung, bền vững với diện tích lớn như xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ… bảo đảm sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, có năng suất, chất lượng cao.
Bà Nguyễn Thị Thùy – Chủ nhiệm Hợp tác xã Hưng Thùy chia sẻ, diện tích trồng khoai sọ ở Trạm Tấu tăng nhanh từ 132 ha năm 2020 lên 402 ha năm 2022. Sản lượng theo đó đạt 5.600 tấn, tăng gấp 2,5 lần. Đặc biệt, khoai sọ Trạm Tấu hiện nay rất dễ tiêu thụ trên thị trường các tỉnh trong cả nước; trong đó đã có mặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ chí Minh…
Còn tại huyện Văn Yên, một trong những huyện đi đầu trong xây dựng sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái, đến nay huyện đã xây dựng được gần 40 sản phẩm; trong đó, có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Điển hình các sản phẩm sản xuất, kinh doanh chế biến quế; điểm du lịch cộng đồng Bản Tát được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao…
Theo ông Lưu Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, hiện nay huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và bổ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã, tiến tới xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.
Để tiếp tục thực hiện chương trình OCOP gắn với phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững đến năm 2025, các ngành, địa phương trong huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với sản phẩm chủ lực; tiếp tục đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo hướng trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác và gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch, dịch vụ.
Đánh giá về tính hiệu quả của việc xây sản phẩm OCOP, ông Kiên khẳng định, chương trình OCOP không chỉ tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn là cơ sở để Văn Yên hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, phát triển nền nông nghiệp xanh theo hướng bền vững. Thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá và phát triển thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và là giải pháp quan trọng để huyện thực hiện có kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Có thể thấy, việc đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP ở Yên Bái đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính chất đặc trưng lợi thế của từng vùng trên địa bàn các địa phương, qua đó nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.