BVR&MT – Những năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đến vấn đề sử dụng tài nguyên, khoáng sản sao cho hiệu quả, tiết kiệm vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa gắn với bảo vệ môi trường bền vững trên địa bàn.
Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, một số đại biểu HĐND tỉnh đã đặt câu hỏi về việc tận dụng đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp. Thực tế cho thấy, với địa bàn có hoạt động khai thác than lớn nhất cả nước, hằng năm các mỏ than trên địa bàn đã đưa ra bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá. Tổng diện tích bãi thải của tỉnh hiện nay khoảng 4.000ha. Thời điểm hiện tại, phần lớn các bãi thải đạt cốt cao từ 200-300m. Tổng trữ lượng đất, đá thải mỏ hiện nay rất lớn, khoảng hơn 2,1 tỷ m3.
Điều này tạo áp lực rất lớn đến vấn đề môi trường, bởi bụi từ các bãi thải cao gây ô nhiễm không khí; chưa kể nguy cơ sạt lở có thể xảy ra trong mùa mưa bão; chi phí phát sinh lớn từ việc xây dựng bãi thải, cải tạo, phục hồi môi trường, di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở.
Trong khi đó, các dự án phát triển đồng bộ hạ tầng KT-XH trên địa bàn tỉnh diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu đất đá san lấp mặt bằng ở Quảng Ninh khá lớn, trung bình khoảng 150 triệu m3/năm lại đang thiếu nguồn san lấp. Điều này dẫn đến một số cá nhân đã khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép để thu lợi bất chính.
Điển hình là vụ việc ngày 16/12 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với ông Đào Thế Vinh, nguyên Giám đốc Công ty DV-VTTM Vũ Đại Vỹ về hành vi: Từ năm 2018 đến thời điểm bị bắt đã tổ chức khai thác, vận chuyển trái phép đất với số lượng lớn tại khu vực Cầu Trắng (phường Đại Yên, TP Hạ Long) để bán cho một số đơn vị có nhu cầu mua đất san lấp mặt bằng, sản xuất gạch ngói, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Ngoài lượng đất đá thải mỏ lớn, hằng năm, trên địa bàn tỉnh còn phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường khoảng 49.000 tấn/năm. Và theo thiết kế các cơ sở sản xuất nhiệt điện trên địa bàn Quảng Ninh, hằng năm phát sinh khoảng 7,6 triệu tấn tro xỉ.
Để sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn, hướng tới kinh tế tuàn hoàn, UBND tỉnh đã báo cáo Bộ TN&MT xem xét, giải quyết một số cơ chế, chính sách cấp phép cho việc sử dụng đất đá thải mỏ và được Bộ thống nhất cao với tỉnh về chủ trương tăng cường sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ nhu cầu san lấp các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Đến nay, đã có 4 trường hợp trên địa bàn tỉnh được Bộ đồng ý cho khai thác thu hồi với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã rà soát, xác định 32 vị trí các bãi thải mỏ có thể khai thác, thu hồi đất đá làm vật liệu san lấp với trữ lượng gần 1 tỷ m3 đưa vào phương án bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh để đáp ứng nhu cầu lớn vật liệu san lấp trên địa bàn.
Thời gian qua cũng đã có 16% lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh được tái chế, tái sử dụng hoặc thu hồi năng lượng; 20% tro sỉ phát sinh từ các cơ sở nhiệt điện được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và được các đơn vị chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để làm phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng.
Cùng với việc tái sử dụng các chất thải, năm 2022, Quảng Ninh còn tăng cường quản lý đất đai, cấp phép khai thác tài nguyên. UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 13 địa phương, trình HĐND thông qua Nghị quyết 86/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 về việc thông qua danh mục, công trình, dự án nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đợt 1 năm 2022 trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã cho thuê đất đối với 29 tổ chức với diện tích 262,09ha; giao đất cho 36 tổ chức với diện tích 857,44ha; gia hạn thời gian sử dụng đất cho 30 tổ chức với diện tích 449,77ha; thu hồi của 13 tổ chức với diện tích 959,28ha; thông báo hết hạn sử dụng cho 28 tổ chức để hoàn thiện thủ tục gia hạn hoặc trả đất theo quy định của pháp luật đất đai; ký 60 hợp đồng thuê đất, bao gồm cả ký lại do điều chỉnh đơn giá thuê đất; phê duyệt giá đất cụ thể 35 dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh đã cấp mới, gia hạn, điều chỉnh 17 giấy phép các lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản; phê duyệt chủ trương cho một số đơn vị lập hồ sơ cấp phép khai thác, sử dụng mặt nước các hồ, đập, kênh thủy lợi… Tỉnh còn chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, trọng tâm là than, cát, đá, sét; cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển và chế biến kinh doanh than trái phép. Hoạt động khai thác đá, sét, cát, nạo vét luồng lạch thu hồi khoáng sản đi vào nền nếp, được kiểm soát chặt chẽ…
Mới đây, ngày 26/9/2022, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Với nghị quyết này và các giải pháp mà tỉnh đã và đang triển khai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên trên địa bàn.