BVR&MT – UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cùng các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá theo hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đã được giao. Đây là một trong những động thái của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm phát triển bền vững nghề cá của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đội tàu khai thác của tỉnh có 52,8% tàu hoạt động vùng khơi, chủ yếu hoạt động các nghề khai thác như: lưới kéo, lưới rê, vây, câu, nghề chụp, dịch vụ hậu cần và nghề khác…
Đến nay, tổng số tàu cá trên địa ban tỉnh đã giảm 10%. Tàu cá giảm chủ yếu ở nghề khai thác gần bờ, hoặc tàu khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản.
Tổng số tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác trên địa bàn tỉnh, tính đến nay là 62,2%; trong đó, tàu cá vùng khơi đã cấp phép đạt 94,88%, tàu cá vùng lộng đã cấp phép đạt 60,23%, tàu cá vùng ven bờ đã cấp phép đạt 12,6%.
Đối với tàu chưa cấp phép chủ yếu là vùng lộng, ven bờ. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo đến các phường, xã khẩn trương rà soát, yêu cầu các chủ tàu nhanh chóng thực hiện thủ tục hành chính cấp phép khai thác thủy sản hoặc thực hiện thủ tục hành chính xóa đăng ký tàu cá theo quy định đối với tàu cá không còn hoạt động, hư hỏng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về phối hợp rà soát, xử lý đối với tàu cá của tỉnh có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản. kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Đặc biệt là với tàu cá neo đậu tại các bãi ngang, kênh rạch, không chịu vào cảng cá để bốc dỡ thủy sản; kiên quyết không giải quyết tàu cá xuất bến đối với tàu cá không đủ giấy tờ, thiếu cấp giấy phép khai thác thủy sản và trang thiết bị an toàn theo quy định.
Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định đối với tàu cá không có cấp giấy phép khai thác thủy sản, chưa thực hiện đánh dấu tàu cá, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình nhưng không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển, tàu cá vượt ranh giới trên biển.
UBND tỉnh cũng đã hoàn thành phê duyệt dự án điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng trên vùng biển tỉnh và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện. Trong đó, UBND tỉnh đề xuất danh mục các loài hải sản cần được bảo vệ (84 loài chủ đạo, có giá trị kinh tế và 92 loài là đối tượng cần được bảo vệ) và 4 khu vực cấm khai thác theo không gian và thời gian, 2 khu vực thả rạn nhân tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Tỉnh cũng đang triển khai, hoàn thiện đề án “Chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh”. Đây là cơ sở để xây dựng chính sách chuyển đổi nghề trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, thực hiện mục tiêu cơ cấu, sắp xếp lại đội tàu, ngành nghề khai thác đảm bảo công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững.