BVR&MT – Rừng đặc dụng Xuân Nha có diện tích quy hoạch gần 18.268 ha, thuộc các xã Tân Xuân, Xuân Nha, Chiềng Xuân (Vân Hồ) và Chiềng Sơn (Mộc Châu). Rừng đặc dụng Xuân Nha có vị trí hết sức quan trọng và có giá trị bảo tồn cao, gồm có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, đa dạng về các hệ sinh thái và sinh cảnh với nhiều kiểu rừng, có giá trị về bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó rừng đặc dụng Xuân Nha còn cung cấp dịch vụ môi trường rừng, điều tiết nguồn nước, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Những ngày cuối tháng 12/2022, Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường có dịp tới thăm Rừng đặc dụng Xuân Nha. Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Quang Cảnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Xuân Nha (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La) cho biết đây là khu hệ sinh thái rừng kín thường xanh núi cao vùng Tây Bắc, là kiểu rừng có diện tích lớn, nằm trong vành đai nhiệt đới. Trong rừng đặc dụng Xuân Nha hiện còn một số loại gỗ quý, như: pơ mu, sến, dổi; đặc biệt là thông đỏ thuộc nhóm IA, là loài đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam và xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Với vị trí, vai trò hết sức quan trọng, những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Xuân Nha luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, lãnh đạo huyện Vân Hồ và Mộc Châu; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền các xã trên địa bàn. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng được triển khai đã góp phần thúc đẩy công tác quản lý bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, do có nhiều cộng đồng dân cư sống xen kẽ với rừng đặc dụng; trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động sản xuất và đời sống tác động trực tiếp đến rừng. Hiện, trong rừng đặc dụng Xuân Nha có 11 bản, với 1.076 hộ, 5.550 nhân khẩu và 11 bản tiếp giáp với ranh giới Khu bảo tồn, với hơn 1.000 hộ, khoảng 4.300 nhân khẩu. Bên cạnh đó, rừng đặc dụng Xuân Nha còn giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa và nằm trên đường biên giới Việt – Lào dài 10,7 km. Qua đó, việc triển khai các nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác phối hợp trong hoạt động tuần tra bảo vệ rừng ở những khu vực giáp ranh, nhất là những áp lực của cộng đồng dân cư sống trong vùng lõi và vùng vùng đệm của khu rừng đặc dụng.
Đặc biệt từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con có thêm điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển sản xuất, giảm phụ thuộc vào rừng. Trung bình mỗi năm, bản Khò Hồng được Ban quản lý rừng đặc dụng Xuân Nha chi trả 200-300 triệu đồng thông qua hợp đồng khoán bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc rừng, từ nguồn kinh phí này, bản thống nhất chi 65% cho tập thể, hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, 35% để xây dựng các công trình công cộng, mua dụng cụ phục vụ tuần tra, PCCCR. Cùng với nguồn hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn bộ các tuyến đường nội bản được bê tông hóa, sân vận động, nhà văn hóa được xây dựng với đầy đủ thiết bị. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây ở bản không xảy ra cháy rừng, không có tình trạng phá rừng làm nương và khai thác lâm sản trái phép.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển rừng bền vững, tạo thêm sinh kế cho người dân, giảm áp lực phụ thuộc vào rừng, Ban quản lý đặc dụng Xuân Nha đã phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng phương án quản lý bền vững rừng đặc dụng Xuân Nha giai đoạn 2021-2030; lập Dự án bảo tồn và phát triển khu rừng đặc dụng Xuân Nha giai đoạn 2021-2025. Trong đó có các hạng mục trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, làm giàu rừng, làm đường băng cản lửa, đường tuần tra rừng, xây dựng nhà trạm bảo vệ rừng, vườn thực vật. Hiện nay, đơn vị đã triển khai một số mô hình trồng rừng bằng tre bát độ, cây ăn quả và cây mắc ca, vừa tăng độ che phủ và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hậu Thạch