BVR&MT – Từ nay đến năm 2025, Nhà nước đầu tư 1.984 tỷ đồng đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thái Nguyên, trong đó tập trung đầu tư 10 dự án thành phần nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân.
Các dự án thành phần sẽ tập trung vào việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tại những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng thời. đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; đầu tư phát triển kinh tế- xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Với sự đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh bình quân 2%/năm, tăng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên gấp 2 lần so với năm 2020; giảm 50% số xã, thôn, xóm ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.
Phấn đấu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 100% đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê tông hóa, 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, 96% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phủ sóng đài phát thanh, truyền hình của trung ương và địa phương.
Công tác y tế sẽ được tăng cường để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế, trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.
Để đạt các chỉ tiêu đó, tỉnh Thái Nguyên tập trung 6 giải pháp, trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tính chủ động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng.
Đồng thời, giải pháp của tỉnh Thái Nguyên đưa ra là khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trong đồng bào dân tộc thiểu số; huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách Nhà nước là quyết định. Tăng cường các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hậu Thạch