BVR&MT – Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh các vườn ươm có đủ tiêu chuẩn về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xuất xứ nguồn gốc cây giống thì vẫn còn có cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nhập nguồn giống trôi nổi trên thị trường để tiêu thụ. Thêm vào đó, người dân tự đi mua giống cây trên mạng, vườn ươm ngoài tỉnh nên cơ quan chức năng khó quản lý…
Thái Nguyên hiện có trên 352.196ha rừng với tỷ lệ che phủ rừng đạt 48%. Trong đó, diện tích cơ quan có thẩm quyền quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 179.914ha.
Với chủ trương lấy đất rừng là sinh kế để người dân phát triển kinh tế và góp phần cải thiện môi trường sinh thái, trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân trong tỉnh qua tâm, thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực.
Sản xuất lâm nghiệp đóng vai trò đáng kể trong cơ cấu ngành Nông nghiệp với giá trị sản xuất khoảng 600 tỷ đồng/năm và ngày càng gia tăng. Để kinh tế lâm nghiệp phát triển gắn với bảo vệ rừng, bình quân mỗi năm người dân trong tỉnh sử dụng khoảng 27 triệu cây giống phục vụ trồng rừng kinh tế. Trong đó, chủ yếu người dân trên địa bàn trồng các loại cây, như: Keo, quế, giổi, mỡ, lát hoa…
Cuối quý IV hàng năm là thời thời điểm người dân trong tỉnh tập trung thu hoạch lứa cây lâm nghiệp đến tuổi khai thác hoặc phát dọn thực bì những diện tích đất trống để chuẩn bị sau Tết Nguyên đán thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành trồng rừng.
Đi khảo sát thực tế tại một số địa phương trong tỉnh những ngày này, chúng tôi thấy hầu như các phiên chợ nông thôn đều bày bán đa dạng các loại cây giống như: Keo, mít, bưởi, trám, quế…
Tổ chức, cá nhân kinh doanh cây giống cũng đa dạng và phần lớn là tự phát nên chưa đảm bảo các điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Đồng thời, chủ các cơ sở cũng chưa nắm bắt được quy trình, kỹ thuật, những yêu cầu bắt buộc trong kinh doanh cây giống. Ít người quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ cây giống mà chủ yếu chọn mua theo cảm quan.
Chị Lương Thị Hà, một người dân ở xã Phú Xuyên (Đại Từ), chia sẻ: Sau 7 năm, khi đồi keo của gia đình đã khai thác xong, chúng tôi lại ra chợ mua keo giống về trồng. Tôi thường chọn những cây to, mập chứ cũng không để ý đến nguồn gốc cây giống.
Thực tế cho thấy, tình trạng giống cây trồng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn lưu thông trên thị trường. Thêm vào đó, người trồng rừng vẫn có thói quen chọn mua giống cây theo kinh nghiệm quan sát trực tiếp. Chính vì vậy đã có nhiều hộ dân bị thiệt hại khi cây trồng đến kỳ thu hoạch mà không có quả hoặc rất ít quả, không đạt hiệu quả kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Hiền, ở xóm Đá Dựng, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), nói: Do tin tưởng cây giống của một cơ sở sản xuất nên tôi đã mua 3.000 cây trám đen siêu quả về trồng. Sau 6 năm chỉ có trên 200 cây có quả, những cây còn lại lên xanh tốt nhưng không ra hoa. Để lại số cây không có quả thì phí đất mà chặt bỏ lại tiếc công và tiền đầu tư nên gia đình tôi đang cắt tán để ghép mắt cây có quả sang, nhưng cũng không biết cách làm này có thành công hay không…
Để thị trường cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, đảm bảo chất lượng, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh nên tăng cường công tác quản lý về giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý giống cây lâm nghiệp; về quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây lâm nghiệp.
Cùng với đó, chính quyền các địa phương trong tỉnh cần thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp không đảm bảo chất lượng, không có hồ sơ nguồn gốc giống, không đáp ứng các điều kiện về sản xuất, kinh doanh giống.
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, thời gian tới, đơn vị sẽ chỉ đạo các hạt kiểm lâm tăng cường công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng cây giống có nguồn gốc đủ tiêu chuẩn theo quy định phục vụ trồng rừng năm 2023. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Trước tiên là cơ quan chức năng sẽ quản lý chặt chẽ nguồn giống đầu vào đối với Đề án trồng 6 triệu cây xanh trong giai đoạn 2022- 2025.
Giống là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng rừng trồng. Vì vậy, ngành chức năng của tỉnh khuyến cáo bà con nên chọn mua cây giống tại các cơ sở có uy tín, sử dụng các giống chất lượng cao và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh để nâng cao hiệu quả.