BVR&MT – Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nương chè của nông dân Thái Nguyên trổ búp, vươn lên xanh tốt trong vụ đông – thời điểm thời tiết không thuận lợi cho cây chè phát triển. Có được kết quả này là do người dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để “thúc” chè ra búp quanh năm, đem lại nguồn thu nhập ổn định; đồng thời, cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Để sản xuất chè vụ đông có hiệu quả, từ năm 2021, gia đình bà Lê Thị Thanh, ở xóm Chính Phú 2, xã Phú Xuyên (Đại Từ) đã chủ động đào ao tích trữ nước.
Bà Thanh chia sẻ: Nguồn nước tưới chính là yếu tố đầu tiên quyết định năng suất chè vụ đông. Bởi thời tiết mùa này ít mưa, trong khi đó, cây chè lại đòi hỏi độ ẩm cao để sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Vì vậy, hằng tuần, nhà tôi đều bơm nước tưới chè; lấy rơm, rạ phủ lên trên mặt luống để giữ ẩm, hạn chế sự bốc hơi nước của đất.
Theo bà Thanh, mặc dù làm chè đông vất vả hơn, sản lượng cũng bị giảm so với chè chính vụ nhưng bù lại giá bán lại cao hơn, chè cũng ít bị sâu bệnh. “Trước đây, khi chưa làm chè vụ đông, nhà tôi chỉ thu hoạch được 6 lứa/năm còn giờ đã tăng lên 8 lứa. Với 1 mẫu chè cành giống LDP1, nhà tôi vừa thu hoạch được 6 tạ chè búp tươi, giảm 2 tạ so với chính vụ, nhưng giá bán đã tăng thêm từ 30 đến 50 nghìn đồng/kg.” – Bà Thanh nói.
Không riêng gia đình bà Thanh, thời điểm này, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng đang tập trung sản xuất chè vụ đông nhằm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Anh Ngô Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã chè Phúc Thành, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), cho biết: Ngoài cung cấp nước tưới đầy đủ, bón phân cũng là một khâu quan trọng giúp cây chè vụ đông phát triển và cho năng suất cao. Thay vì vãi phân trên mặt luống, giờ đây, chúng tôi cuốc hố, bỏ phân và vùi dưới đất để hạn chế tình trạng rửa trôi, giúp cây nhanh hấp thụ được chất dinh dưỡng.
Tuân thủ quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên Hợp tác xã chè Phúc Thành có ghi sổ nhật ký nông hộ ở từng thời điểm bón phân, thu hái. Trên nương chè, bà con lắp đặt hệ thống tưới bằng van xoay tự động; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học…
Đối với Hợp tác xã chè an toàn Nguyên Việt, ở xã Minh Lập (Đồng Hỷ), 5ha chè hữu cơ của đơn vị vừa được cơ quan chuyên môn cấp Giấy chứng nhận mã số vùng trồng. Đây là tín hiệu vui đối với bà con. Bà Uông Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã , thông tin: Được cấp mã số vùng trồng chính là “tấm vé thông hành” để các sản phẩm của Hợp tác xã có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Vì vậy, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi đang tiếp tục cải tiến mẫu mã, bao bì và tích cực tham gia các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ để đưa sản phẩm chè Minh Lập vươn xa, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Theo thống kê, Thái Nguyên hiện có trên 22.500ha chè, trong đó, diện tích chè giống mới chiếm 80%. Xác định chè là cây trồng thế mạnh, trong nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển cây chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.
Đến nay, chè vụ đông chiếm khoảng 40% diện tích trồng chè của toàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất chè (hiện đạt 124,8 tạ/ha, tăng hơn 7 tạ/ha so với năm 2019); sản lượng chè búp tươi năm 2021 đạt 251,9 nghìn tấn, tăng 3% so với năm 2020.
Tuy vậy, không phải địa phương nào trong tỉnh cũng có điều kiện sản xuất chè đông, mà chỉ tập trung ở một số vùng có nguồn nước tưới thuận lợi và bà con có kinh nghiệm thâm canh chè, như: thị trấn Sông Cầu và các xã Văn Hán, Minh Lập (Đồng Hỷ); Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương); La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ); Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên)… Tại các vùng chè trọng điểm trong tỉnh, mỗi héc-ta chè, bà con đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, chè vụ đông có chất lượng tốt, vị đậm và thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán lại cao hơn chè chính vụ từ 2-3 lần.
Nhận thấy sản xuất chè đông đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới một số công trình hồ đập để đảm bảo cung cấp nước tưới. Cùng với đó, các đơn vị chuyên môn cũng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.
Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục khuyến khích bà con ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè vụ đông. Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè ứng dụng hệ thống tưới nước chủ động, tiết kiệm đạt 8.120ha, chiếm 35%. Giai đoạn 2026-2030, toàn tỉnh phấn đấu diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 12.500ha, chiếm 51% tổng diện tích. Ngoài ra, tỉnh cũng có các cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên.