BVR&MT – Là một trong những người đi đầu phong trào phủ xanh đất trống đồi núi trọc của Thủ đô, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng với ông Trần Như Hiệp (bản Mường Phú Thứ, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) còn sức là ông còn bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng. Qua đó ông không chỉ làm giàu cho gia đình và xã hội mà còn tích cực hoạt động trên mặt trận “xóa đói, giảm nghèo” ở địa phương.
Năm 1992, thời điểm về hưu sau khi kết thúc quá trình công tác tại Trường cấp 3 vừa học vừa làm, ông Hiệp trăn trở với bài toán thoát nghèo của gia đình và của người dân trong xã. Khánh Thượng một xã đông dân của huyện Ba Vì, phần lớn là người Mường, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thời điểm đó, tại địa phương triển khai thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng tới hộ nông dân. Gia đình ông Hiệp đã nhận trồng 30 ha rừng. Công việc trồng rừng những ngày đầu gặp muôn vàn khó khăn như: Thiếu vốn, thiếu nhân lực và kỹ thuật.
Không nản chí, ông Hiệp bỏ nhiều công sức nghiên cứu tài liệu, dự các lớp tập huấn về trồng rừng, vận động người thân trong gia đình gom vốn để trồng keo. Diện tích rừng gia đình ông Hiệp nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ đã tăng từ 30 ha (năm 1993) lên 330 ha, hiện nay, nhiều cánh rừng cho thu hoạch. Không những làm giàu cho gia đình, ông Hiệp còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động tại địa phương. Nhiều hộ trong xã được ông hỗ trợ về cây giống và kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ rừng, đã khá lên nhờ trồng rừng.
Đi thăm khu rừng rộng hàng trăm héc-ta của mình, ông Hiệp kể: Cuộc sống của bà con ở đây còn nhiều gian truân lắm. Nhìn ruộng ngô, nương sắn là vậy nhưng tiền chẳng được bao nhiêu. Bán cả đống sắn không nổi 200 nghìn đồng. Nhưng để đồi trống, núi trọc thì cứ thấy xót xa. Bôn ba khắp nơi, ông thấy không đâu hơn nơi “chôn nhau cắt rốn” Khánh Thượng của mình. Có chí thì ở đâu cũng sẽ làm giàu được. Không phủ nhận chuyện gắn bó với rừng vì mục đích làm giàu nhưng sâu xa hơn ông Hiệp muốn giữ gìn “lá phổi” xanh của Thủ đô, đem cho đời màu xanh của sự sống từ những mảnh đất hoang hóa, bạc màu.
Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Khánh Thượng, ông Hiệp cùng các cán bộ trong Ban Chấp hành Hội vận động được hơn 90% số người cao tuổi sống trên địa bàn tham gia hoạt động hội; vận động mọi người tích cực tham gia các phong trào, góp phần xây dựng tổ chức đảng và chính quyền cơ sở vững mạnh. Ðời sống của người dân xã Khánh Thượng ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Ông Hiệp và các hội viên cao tuổi xã Khánh Thượng tích cực tham gia công tác khuyến học và bảo tồn, phát triển các điệu múa, điệu hát và các trò chơi truyền thống của người Mường.
Không chỉ làm tốt công tác Hội, ông Trần Như Hiệp còn vận động bà con trong xã tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, mừng thọ… Với những thành tích đã đạt được, ông Trần Như Hiệp nhiều lần được biểu dương, khen thưởng.
Hậu Thạch