BVR&MT – Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vay vốn, tiếp cận KHKT, tham gia các mô hình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Là địa phương vùng cao với đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, những năm qua huyện Bình Liêu đã tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của cấp ủy trong công tác lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo. Năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới với các tiêu chí đo lường gồm thu nhập và tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện tăng lên 5,37%, tỷ lệ hộ cận nghèo tăng lên 15,02% tương đương với 413 hộ. Bình Liêu đặt mục tiêu trong năm giảm tối thiểu 287 hộ nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 3,73%, giảm tối thiểu 200 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 2,6%.
Để hoàn thành chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo, như thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ khuyến nông – lâm – ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề…
Trong 10 tháng năm 2022 đã có gần 100 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn vay vốn với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Huyện mở 15 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho lao động nông thôn, 4 lớp tập huấn quy trình canh tác, quản lý vùng trồng có tiềm năng xuất khẩu; phối hợp với Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức 30 hội nghị tư vấn tuyển sinh đào tạo, đưa 690 lao động đi làm việc tại các công ty thuộc TKV… Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh hỗ trợ xóa nhà ở chưa bền chắc đối với hộ nghèo. Theo thống kê rà soát sơ bộ của Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu, năm 2022 trên địa bàn huyện ước giảm trên 300 hộ nghèo, vượt so với kế hoạch đề ra.
Cùng với Bình Liêu, thời gian qua công tác giảm nghèo đã được các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện với các giải pháp tích cực. Bước vào năm 2022, với chuẩn nghèo đa chiều mới (giai đoạn 2022-2025) theo quy định của Trung ương, Quảng Ninh có 1.511 hộ nghèo (tương đương 0,41% hộ dân trong toàn tỉnh) và 5.391 hộ cận nghèo (tương đương 1,46%). Bởi vậy, công tác giảm nghèo bền vững vẫn tiếp tục cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, các doanh nghiệp… Thực tế cho thấy, dù tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, chỉ còn số lượng ít, nhưng lại chủ yếu ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các hộ thoát nghèo nơi đây cũng chưa bền vững; sản xuất của bà con còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế… tạo chênh lệch khá lớn về trình độ phát triển vùng, miền…
Để tiếp tục giảm nghèo bền vững, tỉnh đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đã mở rộng phạm vi, địa bàn thụ hưởng chương trình đến các xã, thôn bản biên giới, hải đảo (67 xã, phường, gồm 56 xã vùng DTTS, miền núi, biên giới và 11 xã đảo) và gắn nhiệm vụ phát triển KT-XH với đảm bảo vững chắc QP-AN. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đều xây dựng phấn đấu cao hơn chỉ tiêu Quốc hội và chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra.
Triển khai nghị quyết này, tỉnh cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, kết luận làm cơ sở hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai xây dựng NTM hiệu quả. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy đã dành nhiều thời gian đi cơ sở để kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình triển khai và kịp thời có những chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện. MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp nguồn lực xây dựng NTM, tuyên truyền, vận động phát triển sản xuất… Riêng năm 2022, Quảng Ninh chú trọng quan tâm đến đối tượng chính sách, người có công, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo, vùng vừa thoát khỏi diện ĐBKK… Đồng thời, đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm; cung cấp dịch vụ khuyến nông – lâm – ngư miễn phí; khuyến khích nhà đầu tư phát triển vào nông nghiệp để tạo thêm việc làm mới cho người dân địa phương…
Tính riêng 10 tháng năm 2022, tỉnh phân bổ vốn ngân sách cho chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi là 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng; ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay giải quyết việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện ĐBKK là 150 tỷ đồng. Đến nay, vốn đầu tư hạ tầng đã giải ngân là trên 426,189 tỷ đồng, đạt 75,43% chỉ tiêu kế hoạch giao. Qua đó, đã giúp cho người dân vùng đồng bào DTTS nâng cao được mức sống, có vốn vay để phát triển kinh tế từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững. Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đang tập trung rà soát kết quả giảm nghèo trên địa bàn. Tin tưởng rằng với những giải pháp đã và đang triển khai, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển KT-XH bền vững trên địa bàn.