BVR&MT – Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng có tầm quan trọng đặc biệt, đây vừa là cầu nối đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, vừa nâng cao nhận thức về trách nhiệm cũng như quyền lợi của người dân trong việc tham gia bảo vệ rừng. Vì vậy, thời gian qua các ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về rừng.
Tạo chuyển biến về nhận thức và hành động
Là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng nhằm phổ biến những chủ trương, chính sách, quy định mới trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng đến học sinh, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, việc chú trọng tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng trong nhà trường đã góp phần nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng cho học sinh, giúp các em có ý thức và hành động thiết thực về tình yêu đối với rừng, tích cực tham gia bảo vệ màu xanh quê hương.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xuân Đài, xã Xuân Đài là một trong những trường thực hiện tốt công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật cho học sinh về bảo vệ, phát triển rừng. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Anh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hàng năm, nhà trường đều phối hợp với Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Trạm kiểm lâm Xuân Đài tổ chức ba cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng trong toàn trường và tổ chức một đến hai buổi dã ngoại cho học sinh lớp 9 tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn; trồng, chăm sóc cây bóng mát tại khuôn viên trường. Qua đó, giúp các em hiểu về công tác bảo tồn sinh học, yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Không chỉ Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xuân Đài mà các trường học trên địa bàn huyện Tân Sơn đều thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng cho học sinh. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Sơn có trên 54.000ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng đặc dụng trên 15.000ha; rừng phòng hộ trên 9.000ha; rừng sản xuất gần 31.000ha. Những năm trước đây, trên địa bàn thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Để hạn chế tình trạng đó, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với Vườn Quốc gia Xuân Sơn, các Trạm kiểm lâm địa bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân, đặc biệt là học sinh trên địa bàn.
Đồng chí Trần Quốc Toản- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn cho biết: Công tác phối hợp tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cho người dân nói chung, các em học sinh nói riêng có hiệu quả thiết thực. Các em đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền tới gia đình, cộng đồng cùng có trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng, từ đó, góp phần giảm thiểu các vụ khai thác, chặt phá rừng trên địa bàn. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của các em học sinh, giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả hơn.
Thực hiện lời dạy của Bác: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Đoan Hùng triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền Luật Lâm nghiệp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, ngoài áp dụng các chế tài xử lý vi phạm, thì công tác tuyên truyền vẫn là giải pháp nòng cốt mang tính bền vững. Do vậy, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường công tác chỉ đạo các đồng chí kiểm lâm phụ trách từng địa bàn bám cơ sở, nắm bắt thông tin, thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp, các quy định liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp tại địa bàn được phân công phụ trách. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm tăng cường phối hợp với các địa phương có rừng tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng đến từng khu, hộ dân.
Tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, giúp người dân trong sinh sống ở những khu vực gần rừng hiểu, tiếp thu các chế độ chính sách về bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và tiếp cận tiến bộ khoa học, biết áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để phát triển kinh tế từ rừng. Qua đó, giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học của lực lượng chức năng.
Đa dạng nội dung và hình thức tuyên truyền
Từ năm 2021 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã in, cấp phát 11.200 tờ gấp, tranh tuyên truyền giao cho các Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố; xây dựng, tu sửa năm pano sắt, tám biển tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR, tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim hoang dã. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức, phối hợp tổ chức 90 lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR cho công chức, viên chức kiểm lâm, cán bộ chủ chốt xã, các chủ rừng, các ban, ngành, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội CCB, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên trên toàn tỉnh với số lượng trên 3.300 lượt người tham gia. Đồng thời Chi Cục Kiểm lâm đã phối hợp với Báo Phú Thọ, Đài PT-TH tỉnh xây dựng, phát hành các chuyên mục, phóng sự… phản ánh về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Các thôn, bản, khu dân cư nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cũng có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng bảo tồn, phòng hộ trong cộng đồng. Nội dung tập trung tuyên truyền sâu, rộng vào các văn bản, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền trong những năm qua được thực hiện rất bài bản, kỹ lưỡng. Để chuẩn bị các điều kiện trồng rừng, cán bộ kiểm lâm phối hợp với chính quyền xã tổ chức họp khu dân cư thông báo kế hoạch trồng rừng; phổ biến các nội dung, chính sách, quy định trạng thái rừng như thế nào thì được cải tạo trồng rừng; đề nghị người dân đăng ký diện tích thông qua xã; từ danh sách đăng ký, cán bộ kiểm lâm và xã cùng với hộ dân kiểm tra hiện trạng rừng, nếu đủ điều kiện mới cho tư vấn thiết kế trồng rừng.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được tăng cường thông qua các tổ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm địa bàn, cộng đồng thôn, bản cùng tuần tra, kiểm soát, kết hợp với tuyên truyền cụ thể, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ cơ bản được kiểm soát khá hiệu quả, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, xâm lấn rừng đều được kiểm soát chặt chẽ; việc huy động lực lượng tham gia vào công tác phòng cháy chữa cháy rừng, trồng rừng được nhân dân ủng hộ. Chất lượng rừng cũng như khả năng phòng hộ của rừng được nâng cao. Tỉ lệ che phủ rừng toàn tỉnh cũng tăng theo các năm.
Đồng chí Trần Ngọc Cường- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để công tác tuyên truyền trong thời gian tới đạt chất lượng, hiệu quả cao cần có những giải pháp đồng bộ như: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cấp xã trong việc thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ rừng gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sao cho sát với thực tiễn cuộc sống, quan trọng là kịp thời đối với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định mới trong lĩnh vực lâm nghiệp. Hình thức phải đa dạng, phong phú, sử dụng nhiều loại hình tuyên truyền sinh động. Đặc biệt, cần có những cách thức tuyên truyền phù hợp với trình độ của đồng bào các dân tộc nhằm khuyến khích, thu hút được đông đảo người dân tham gia; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.