BVR&MT – Với ưu điểm nổi bật là độ an toàn vệ sinh thực phẩm cao và đảm bảo chế độ dinh dưỡng, thực phẩm hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng thông minh.
Những năm gần đây, người tiêu dùng vẫn gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn nguồn thực phẩm đầy đủ dưỡng chất mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.
Chị Lê Kim Thoa (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) chia sẻ: gần đây, các câu chuyện thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại lan truyền nhiều nên chị rất lo lắng cho sức khỏe gia đình mình, đặc biệt là với hai đứa con nhỏ. Chị thường đi chợ sớm để tìm những hàng rau an toàn và còn vào cả siêu thị thực phẩm sạch để mua thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên, chị vẫn băn khoăn không hiểu thực sự thế nào là thực phẩm sạch.
Tại Việt Nam hiện giờ, người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu đa dạng hơn về các loại thực phẩm. Mọi người quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, vệ sinh và an toàn thực phẩm và do đó có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm hữu cơ. Nhưng nhiều người vẫn có xu hướng chọn thực phẩm sạch bằng mắt thường, nhìn sạch thì có nghĩa là sạch.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thực phẩm an toàn không gây hại cho con người khi không chứa hoặc chứa hàm lượng ở mức chấp nhận được các chất ô nhiễm hay vi sinh vật có hại mà bình thường có thể gây nhiễm độc, hoặc bất kỳ chất nào khác có thể khiến thực phẩm trở nên có hại cho sức khỏe.
Thực phẩm an toàn cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp, thiết yếu mà không gây hại cho sức khỏe của người sử dụng do bị nhiễm hóa chất, vi sinh vật gây bệnh, ký sinh trùng hay do các mối nguy vật lý gây ra.
Để đảm bảo đúng tiêu chí thực phẩm an toàn, các nhà sản xuất và kinh doanh cần tuân thủ các quy định được các tổ chức có uy tín quốc tế giám định, kiểm soát các cam kết chất lượng.
Người tiêu dùng cần hiểu những thông tin khoa học để chọn được thực phẩm an toàn từ gốc.
Trong bối cảnh đó, Dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản bền vững ở ASEAN” (gọi tắt là ASEAN Agritrade) do Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Đức (BMZ) tài trợ và ủy quyền cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) triển khai đã chọn các tiêu chuẩn ‘PGS hữu cơ’ (Organic), ‘thực hành nông nghiệp tốt’ (GAP) là những tiêu chuẩn đảm bảo, uy tín để đánh giá thế nào là thực phẩm sạch, an toàn. Tại Việt Nam, Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan chủ quản của dự án này.
Trên thế giới, PGS là hệ thống đảm bảo có sự tham gia, được Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ thế giới (IFOAM) đưa vào ứng dụng trong sản xuất hữu cơ. PGS Việt Nam đã được IFOAM công nhận, hoạt động trực thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam.
Chứng nhận PGS tại Việt Nam được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn Quốc gia về sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ TCVN11041-1:2017, TCVN11041-2:2017.
Đây cũng là chứng nhận duy nhất trong thị trường nội địa chứng minh nguồn gốc hữu cơ của sản phẩm. Khi các sản phẩm gắn tem có mã QR cùng logo PGS có nghĩa đã được kiểm tra, giám sát và công nhận bởi Hệ thống PGS.
Thực hành nông nghiệp tốt (Good Agriculture Practices – GAP) là những nguyên tắc, thủ tục được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật, kim loại nặng, hàm lượng nitrat), bảo vệ sức khỏe cho nhà sản xuất và người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường.
Trên thế giới hiện nay cũng đã có rất nhiều khu vực, quốc gia ban hành GAP là quy định về tiêu chuẩn cho các sản phẩm được tiêu dùng. Có thể kể đến như: EurepGAP, GlobalGAP, AseanGAP, ThaiGAP, MalaysiaGAP, JapanGAP, IndiaGAP và VietGAP…
Tại Việt Nam, VietGAP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam ban hành, được quy định cụ thể cho từng sản phẩm, bao gồm nhóm thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi.
Hiểu được ý nghĩa của các tiêu chuẩn chất lượng như PGS, GAP là quan trọng để giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn được đúng thực phẩm sạch mang lại sức khỏe chung cho cả cá nhân và cộng đồng.