Yên Phụ (Tây Hồ – Hà Nội): Buông lỏng quản lý, hàng loạt công trình vô tư xây dựng trên đất nông nghiệp?

BVR&MT –  Hiện nay, mặc dù có hàng loạt công trình có dấu hiệu vi phạm xây dựng nhưng chưa được các ban ngành chức năng phường Yên Phụ (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) kiểm tra, xử lý triệt để. Trước tình trạng quản lý lỏng lẻo đó, mà có nhiều ngôi nhà cao tầng ngang nhiên xây dựng trái phép mọc trên đất nông nghiệp diễn ra một cách công khai,  khiến dư luận ngày càng bức xúc.

Thời gian qua với sự vào cuộc quyết liệt của UBND thành phố Hà Nội, tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp tại nhiều quận, huyện đã được kiểm soát, đẩy lùi. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trái ngược với sự tích cực của nhiều địa phương khác, tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ tình trạng này chưa được đẩy lùi mà lại có dấu hiệu bùng phát trở lại hơn.

Trước đây, đất nông nghiệp không được nhiều người quan tâm thì giờ đây, giá đất nông nghiệp không những tại địa bàn phường Yên Phụ nói riêng mà nhiều địa phương khác ngày càng tăng lên vùn vụt, để sở hữu không phải đơn giản, có sức hấp dẫn cạnh tranh với đất thổ cư. Chính thực tế này đã làm nảy sinh tình trạng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, hàng loạt công trình sai phạm cứ như nấm sau mưa rào mọc lên đất đất nông nghiệp thường xuyên tái diễn thách thức dư luận.

Để tìm hiểu thực trạng trên, Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường www.baovemoitruong.org.vn đã khảo sát thực tế tại đường An Dương, phường Yên Phụ. Tuy đất nông nghiệp nhưng gần đây có rất nhiều người tới đây mua bán, giao dịch nhưng không sử dụng đúng mục đích mà lại ngang nhiên xây dựng lên những ngôi nhà cao 2 – 3 tầng. Điều lạ lùng, tình trạng này diễn ra một cách công khai giữa thanh thiên bạch nhật mà không hề bị chính quyền và lực lượng chức năng xử lý?

Công trình giáp với công trình số 66 hiện đang được công nhân hoàn thiện.

Điển hình như tại địa chỉ giáp với cổng số 66 ngõ 76/32 An Dương, công trình đang xây dựng trên đất nông nghiệp. Hàng ngày, các xe chở vật liệu vẫn ra vào công trình, tuy nhiên không thấy cán bộ phường xuống kiểm tra ngăn chặn. Theo quan sát của phóng viên, khu đất này được chủ đầu tư cho công nhân xây dựng đang dần đi vào hoàn thiện.

Cách đó không xa, tại số 19 hẻm 130/14 An Dương, cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Công trình này đang được xây dựng 2 tầng, hiện nay một số công nhân cũng đang gấp rút tiến hành xây dựng.

Công trình số 19 hẻm 130/14 An Dương đang được xây dựng 2 tầng, hiện nay một số công nhân cũng đang tiến hành xây dựng.

Sang hẻm 45 ngõ 310/50 Nghi Tàm, công trình được chủ đầu tư quây tôn kín, nhiều công trình đã và đang được xây dựng, theo tìm hiểu được biết những công trình trên cũng đang được xây dựng trên đất nông nghiệp.

Tại hẻm 45 ngõ 310/50 Nghi Tàm được chủ đầu tư quây tôn kín, nhiều công trình đã và đang được xây dựng.

Chưa dừng lại ở đó, ngoài ra, trên địa bàn phường Yên Phụ còn một số công trình có dấu hiệu sai phạm như công trình 9C ngõ 130 An Dương; 211 An Dương,… hiện đang được xây dựng.

Để làm rõ những nội dung trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND phường Yên Phụ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía UBND phường Yên Phụ.

Ngách 32 Ngõ 76 An Dương là “điểm nóng về vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Có thể thấy, dù công trình trên có dấu hiệu vi phạm nhưng tới nay chủ đầu tư vẫn cho thi công mà không vấp phải sự vào cuộc ngăn chặn, xử lý nào từ chính quyền sở tại. Chính vì điều này khiến dư luận đặt nghi ngờ về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, có hay không việc chính quyền phường Yên Phụ buông lỏng quản lý đất đai, “bật đèn xanh” cho vi phạm?

Trước thực trạng trên đề nghị UBND quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội, Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ Hà Nội cùng các Sở, ban ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm nêu trên. Đồng thời có hình thức xử lý với những cá nhân, tập thể có liên quan để xảy ra sai phạm nếu có thể hiện tính nghiêm minh của luật pháp.

Tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Chỉ thị số 44 CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, báo cáo đề xuất UBND thành phố có biện pháp, giải pháp khắc phục, xử lý dứt điểm các công trình xây dựng không phép, trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất.

Theo nội dung Chỉ thị, đã nêu rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý. Để khắc phục những tồn tại này, Chủ tịch UBND thành phố chỉ thị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện một số nội dung như: Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố; Tham mưu, báo cáo đề xuất UBND Thành phố có biện pháp, giải pháp khắc phục, xử lý các công trình vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố theo thẩm quyền; Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã tổng hợp danh sách các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất)… Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp UBND quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê danh sách các trường hợp người sử dụng đất đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất so với hồ sơ địa chính mà chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đề xuất UBND Thành phố các giải pháp, biện pháp khắc phục; Yêu cầu chủ đầu tư các công trình vi phạm khẩn trương nghiêm túc thực hiện hoàn thành việc khắc phục ngay đối với những tồn tại, vi phạm; xử lý nghiêm các chủ đầu tư chây ì, cố tình không thực hiện.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc…

Nhóm PVBVR&MT