BVR&MT – Ngày 24/10, Bộ Công Thương tổ chức họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Doanh nghiệp đầu mối vẫn gặp khó khăn về chi phí
Báo cáo về tình hình thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu 9 tháng đầu năm 2022, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2022 được Bộ Công Thương giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 20.722.039 m3/tấn xăng dầu các loại.
Ngày 24/2, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II năm 2022 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn cung xăng dầu trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm đủ nguồn xăng dầu cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế đất nước. Theo đó, 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã được giao nhập khẩu tăng thêm 2.400.000 m3 xăng, dầu. Cụ thể, xăng là 840.000 m3; dầu là 1.560.000 m3.
Theo báo cáo tổng hợp từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân đã thực hiện tổng nguồn xăng dầu mặt đất (xăng, diesel, dầu hỏa, dầu mazut) trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 17.238.335 m3/tấn.
Đối với mặt hàng chủ đạo là xăng và diesel, một số thương nhân thực hiện tổng nguồn gần đạt, thậm chí vượt so với tổng nguồn tối thiểu được giao.
Tuy nhiên, ông Đông cũng chỉ rõ, một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao là Công ty TNHH sản xuất – thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn – TNHH một thành viên; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong Quý IV năm 2022 phục vụ nhu cầu thị trường, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các Nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Việc phân giao được thực hiện căn cứ vào tỷ trọng tổng nguồn đã phân giao đầu năm 2022 cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và đã có danh sách với số lượng hạn mức cụ thể đến từng thương nhân đầu mối.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nhấn mạnh, nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung ở một số địa bàn, đặc biệt là Quý 3/2022 về mặt khách quan, theo quy định của Nghị định 95, các doanh nghiệp đầu năm đăng ký theo sản lượng trung bình hoạt động của năm trước. Trong khi đó, năm 2021 và 2020 lại là năm diễn ra đại dịch nên sản lượng sụt giảm.
Cùng với đó, do tình hình địa chính trị, giá thế giới biến động rất lớn, mang tính chất dị biệt nên không có chính sách nào có thể bao phủ để kịp thời thích ứng với biến động giá cả và tình hình địa chính trị thế giới trong năm 2022.
“Trong khi 6 tháng đầu năm không có tình hình biến động lớn do vẫn còn lượng tồn kho thì bắt đầu đến Quý 3, tình hình có sự biến đổi do giá xăng dầu đến đà suy giảm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề chi phí”, ông Bảo khẳng định.
Ông Bảo cho biết thên, chi phí hoạt động lưu thông của xăng dầu, giúp hàng hóa được bán ra thị trường từ thương nhân phân phối, đến cửa hàng bán lẻ. Chi phí này đã được áp dụng suốt từ năm 2014 đến nay và chưa được sửa đổi dù doanh nghiệp đã kiến nghị đề xuất nhiều lần và theo quy định phải rà soát hàng năm.
Chi phí thứ 2 theo ông Bảo là chi phí tạo nguồn, là các chi phí đã được quy định tại các Nghị định 83, 95. Chi phí này bao gồm: giá cả thế giới, premium, phụ phí, chi phí đưa hàng từ nước ngoài về, kể cả chi phí nhập từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Đây là vấn đề rất mới, bắt đầu thực hiện trong năm 2022.
Đơn cử, đối với chi phí đưa xăng dầu từ Nhà máy về cảng và premium trong nước, đáng lẽ phải được áp dụng từ 11/7, nhưng đến 11/10 mới được áp dụng, chậm đến 3 tháng, dẫn đến trong quý III, các doanh nghiệp lấy hàng trong nước thiếu tới 600 đồng/lít xăng.
Trong khi đó, chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh nhưng không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ trong Quý III tại khâu tạo nguồn khoảng hơn 2000 tỷ đồng. Đây chính là lý do các doanh nghiệp rất ngần ngại vì lỗ rất lớn.
“Đặc biệt, trong quý III, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, theo tính toán, doanh nghiệp chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng. Các chi phí đó doanh nghiệp phải chịu để thực hiện theo đúng nhiệm vụ chính trị phân phối xăng dầu được giao. Chưa tính tới những yếu tố do thời tiết, ảnh hưởng của bão gió khiến tàu bè không thể tiếp cận được vào các nhà máy thì đâu đó đứt nguồn là điều dễ hiểu”, ông Bảo phân tích.
Trong thời gian tới, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đối với khối lượng xăng dầu Bộ giao cho các doanh nghiệp thì chắc chắn phải nhập thêm. Trong khi với giá cả hiện tại trong Quý IV, nhất là tháng 11, 12 thì premium đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy chi phí doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được.
Bên cạnh đó, phía ngân hàng cũng đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận thì mới cho vay, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.
Ngoài ra, đại diện Hiệp hội còn cho rằng: “Với các kiến nghị của hiệp hội, hiện nay, chủ yếu mới có Bộ Công Thương đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn liên quan đến chức năng nhiệm vụ của bộ, còn nhiều kiến nghị trong các cuộc họp trước chưa được các bộ, ngành khác quan tâm. Đặc biệt, với chi phí lưu thông, dù đã kiến nghị nhưng việc thực hiện còn rất hạn chế”.
Do đó, ông Bùi Ngọc Bảo kiến nghị, để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức: Lấy Quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi 1 lần thì 3 tháng thay 1 lần để giảm đi chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.
Những giải pháp cơ bản tháo gỡ khó khăn nguồn cung xăng dầu
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công Thương cho biết,giữa tháng 10 vừa qua đã xảy ra hiện tượng thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số khu vực, nguyên nhân bởi khan hiếm nguồn cung trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài.
Cùng đó là do biên độ dao động của giá xăng dầu lên xuống thất thường gây rủi ro cho doanh nghiệp; các loại chi phí định mức, tuy đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa được cập nhật để phản ánh được thực chất và đầy đủ; hạn mức tín dụng thấp và tỷ giá đồng đô la liên tục tăng cao gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
“Bất kể là doanh nghiệp nào, nếu lần một, khi kiểm tra, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình thì sẽ bị xử phạt hành chính. Đến lần thứ 2 khi kiểm tra vẫn vi phạm thì sẽ phạt nhiều hơn theo qui định của pháp luật và nếu tiếp tục vi phạm các quy định trong Nghị định 95 trong 2 năm thì không chỉ xử phạt hành chính mà còn thu hồi giấy phép”, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Một nguyên nhân nữa là do thiếu nguồn vốn để thanh toán. Vì vậy, các ngân hàng cũng thấy cần phải siết lại room cho vay đối với các doanh nghiệp.
Từ những nguyên nhân trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp đầu mối phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho cả nước trong mọi hoàn cảnh; phải thực hiện ít nhất bằng kế hoạch sản lượng đã cam kết và động viên các doanh nghiệp nâng công suất để đáp ứng nhu cầu nguồn cung tại các nhà máy sản xuất trong nước.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên trong mọi tình huống dù giá cao, giá thấp, dù rủi ro cao hay thấp, chúng ta đều phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chức năng, nhiệm vụ của mình. Đó là bảo đảm cung ứng đầy đủ sản lượng được phân giao từ đầu năm, bổ sung điều chỉnh trong tháng 2 và kế hoạch điều chỉnh tháng 10.
Đồng thời các doanh nghiệp đầu mối lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, hợp đồng mua bán cụ thể, chi tiết cho từng tuần, từng tháng, hàng quý và cả năm theo kế hoạch phân giao của Bộ Công Thương. Các doanh nghiệp đầu mối, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách cho phù hợp với thực tiễn đang diễn ra.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các Hiệp hội, doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan để làm rõ nguyên nhân, lý do tác động đến thị trường cung ứng xăng dầu của cả nước…
Đối với các cơ quan quản lý từ Bộ Công Thương, các bộ, ngành và chính quyền địa phương: Bộ trưởng đề nghị tiếp tục xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong khuôn khổ của pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước – người dân – doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành và địa phương phối hợp tốt hơn với nhau theo quy định của pháp luật và minh bạch thông tin. Đồng thời, Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành triển khai nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ chế quản lý hợp lý hơn theo chỉ đạo của Chính phủ.