BVR&MT – Giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội có 39 công trình, dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 360.980 tỷ đồng. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong 39 công trình, dự án trọng điểm của thành phố, có 32 dự án dự kiến đầu tư có sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố. Hiện có tám dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 đang triển khai thực hiện. Với 24 dự án mới, đến nay có chín dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư (trong đó có ba dự án đã có quyết định phê duyệt dự án); bảy dự án đã được giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; tám dự án chưa có quyết định giao nhiệm vụ.
Trong đó, ba dự án đã được phê duyệt gồm: Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai; xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội-Hòa Bình; dự án tuyến đường kết nối đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường vành đai 3 đều được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, một số gói thầu chuẩn bị thực hiện dự án, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện đầu tư.
Đáng lưu ý, hiện có hai công trình gồm Dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố Hà Nội (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) – giai đoạn 1; dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức BT dự kiến hoàn thành trong năm 2021-2022.
Qua theo dõi, tổng hợp, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn Thủ đô cơ bản triển khai còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch. Trong 32 dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách, ngoài chín dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020, đến thời điểm hiện nay, đã gần 1/2 kỳ kế hoạch trung hạn, mới có 7/23 dự án mới được quyết định chủ trương đầu tư, bằng 30% số dự án cần quyết định chủ trương đầu tư. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Phùng Thị Hồng Hà, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm rất chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các thủ tục tiếp theo, cũng như phương án cân đối vốn của cả kỳ kế hoạch.
Đơn cử như Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, hiện đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khu vực nhà máy với diện tích hơn 138.000m2; thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình và lựa chọn nhà thầu thi công cho bốn gói thầu xây lắp. Lũy kế giải ngân đến nay là hơn 3.000 tỷ đồng, với thời gian thực hiện trong giai đoạn 2013-2021. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nên gói thầu số 3, gói thầu số 4 của dự án hiện mới hoàn thành được 10% và 20% khối lượng hợp đồng. Sự chậm trễ này buộc thành phố phải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025.
Tại các cuộc giám sát, đại diện Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc nhất trong triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố là ở khâu giải phóng mặt bằng. Việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường là những vấn đề lâu nay chưa có hướng giải quyết triệt để. Mặt khác, do biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu, dịch Covid-19 kéo dài khiến các nhà đầu tư có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập, trình thẩm định, phê duyệt dự án.
Trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các đơn vị phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, sáng tạo không ngừng trong mọi lĩnh vực công tác, thường xuyên giao ban để kiểm đếm, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, cần rà soát cơ chế, chính sách, kịp thời phát hiện những vấn đề còn mâu thuẫn, bất cập để báo cáo Trung ương, thành phố điều chỉnh, kịp thời giải quyết các vấn đề tồn đọng, bảo đảm sự thống nhất. Với những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí yêu cầu các đơn vị cần chỉ rõ nguyên nhân, do tái định cư hay do quy trình thực hiện để có hướng xử lý hiệu quả, bảo đảm các công trình đạt tiến độ, hiệu quả đề ra.