BVR&MT – Sử dụng nhiều thịt động vật hoang dã dẫn tới nguy cơ con người bị lây truyền những bệnh có nguồn gốc từ động vật. Ngoài ra, việc sử dụng thịt thú rừng còn dẫn đến tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD), vi phạm pháp luật, gây ra những rủi ro nghiêm trọng về sức khoẻ cộng đồng và thiên nhiên.
Ngày 21/10, WWF và Báo Nông nghiệp Việt Nam ra mắt chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị, với cách tiếp cận đổi mới, nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt – rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên. Chiến dịch được thực hiện tại ba quốc gia – Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Tại Việt Nam, WWF phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phát động và thực hiện chiến dịch này.
Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nước ta hiện có 322 loài thú rừng, 397 loài bò sát và trên 900 loài chim ngoài tự nhiên. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở đang gây nuôi ĐVHD như khỉ đuôi dài, nhím, cầy vòi hương, …. Phần lớn thịt thú rừng tiêu thụ tại Việt Nam là cá thể bị săn bắt trong tự nhiên hoặc được mua bán từ các cơ sở gây nuôi và luôn luôn tồn tại nguy cơ lây truyền mầm bệnh từ ĐVHD sang động vật nuôi hoặc sang con người.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm lây truyền từ ĐVHD sang người, TS. Nguyễn Văn Long, Q. Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Việt Nam cần thực hiện theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, bên cạnh đó rà soát, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh trên ĐVHD; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị quản lý ĐVHD. Đặc biệt chú trọng vào công tác truyền thông để nhân dân hiểu rõ các quy định của quốc tế, của nhà nước về ĐVHD cũng như ý thức được nguy cơ dịch bệnh khi săn bắn, gây nuôi, giết mổ và tiêu thụ thịt thú rừng đối với bản thân và cộng đồng. Người dân và nhà nước cùng đồng hành để duy trì Hệ sinh thái bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học và sức khỏe cho mọi người”.
Ngoài ra, việc nuôi thương mại ĐVHD cũng có thể làm tăng cầu các sản phẩm này, gây thêm áp lực lên các quần thể hoang dã, gây ra các mối đe dọa đáng kể đối với sự tồn tại của các loài ĐVHD tự nhiên. Nuôi thương mại ĐVHD đang tiềm ẩn những mối lo ngại, cần phải được quan tâm như dịch bệnh trên động vật hoang dã hoặc nguy cơ truyền nhiễm bệnh từ ĐVHD sang người, tình trạng bão hòa nguồn cung hoặc nhu cầu thị trường giảm dẫn đến hoạt động nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động gây nuôi ĐVHD hiện nay phần lớn nuôi mang tính chất tự phát, nuôi thử nghiệm, với quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, cá nhân; số lượng các cá thể loài gây nuôi không nhiều; hầu hết các chủ nuôi tự bỏ vốn mua con giống, đầu tư xây dựng chuồng, trại; số hộ gia đình, cá nhân chiếm trên 90% tổng số cơ sở.
Bên cạnh các kết quả đạt được, hoạt động nuôi ĐVHD cũng tiềm ẩn các rủi ro, nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh trong đàn vật nuôi hoặc từ vật nuôi sang người hoặc sang động vật khác; hiện nay chưa có các tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với từng loài cụ thể, chủ yếu trên cơ sở kinh nghiệm của chủ cơ sở. Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Quốc Hiệu – Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm – Tổng cục Lâm Nghiệp (Bộ Nông nghiệp &PTNT) cho biết: “Khi đầu tư vào hoạt động nuôi ĐVHD vì mục đích thương mại, chủ cơ sở nuôi phải nắm chắc các quy định pháp luật về hoạt động nuôi, đồng thời cân nhắc, tính toán kỹ về hiệu quả kinh tế, trang bị các kiến thức về quy trình, kỹ thuật nuôi, cũng như tạo sự ổn định về đầu ra, để tránh các rủi ro trong khi nuôi”.
Để thay đổi hành vi, quan niệm của xã hội về tiêu dùng thịt thú rừng và bảo vệ động vật hoang dã, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tâm huyết cho rằng: “Cần sự vào cuộc “thật thà”, thực chất hơn nữa của liên ngành trong chống lại nạn buôn bán sử dụng thịt thú rừng. Việc sử dụng (thực khách, người ăn uống, nấu cao các loài thú hoang) lâu nay vẫn ít bị cấm đoán hơn (hoặc không tỏ ra cấm) so với việc buôn bán. Hầu như chưa có tiền lệ xử lý người đang dùng rượu cao hổ, đang uống nước mài sừng tê giác hoặc đang gắp miếng thịt thú rừng trên bàn tiệc. Trong khi, việc sử dụng này là nguồn cầu, là sự kích cầu, là nguyên nhân của việc bắt, bẫy, bán, buôn thú rừng và các sản phẩm của chúng. Chúng ta cần lên án bằng đạo đức, dư luận, truyền thông, đồng thời xử lý nghiêm bằng quy định luật pháp”.
Ông Nguyễn Văn Tín, quản lý Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã thuộc WWF-Việt Nam cho biết: “Xây dựng một chiến dịch dựa vào động cơ của người tiêu dùng, hy vọng nhóm đối tượng mục tiêu nói riêng và công chúng nói chung hiểu được tiêu thụ ĐVHD không đáng để họ đánh cược sức khoẻ của chính bản thân và cộng đồng khi hành vi này có thể làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người”.
Tuyết Lan – Sơn Tinh