BVR&MT – Được thiên nhiên ưu đãi bờ biển trải dài 52km, tỉnh Thái Bình trong những năm qua đã khai thác khá tốt tiềm năng, lợi thế, bước đầu đưa kinh tế biến trở thành động lực tăng trưởng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, để phát triển kinh tế biển, Thái Bình tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tỉnh Thái Bình tổ chức triển khai nhiều chương trình, đề án. Điển hình là Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030…
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tổ chức đánh giá hiện trạng, trữ lượng nguồn lợi thủy sản vùng biển Thái Bình định kỳ 5 năm/ lần; tổ chức điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm theo chuyên đề. Phát triển các mô hình tổ đội, hợp tác xã đồng quản lý, liên doanh, liên kết chế biến, tiêu thụ thủy sản.
Tại hai huyện ven biển là Thái Thụy và Tiền Hải, nhiều hộ dân nỗ lực bám biển sản xuất, vượt dịch Covid-19 bằng cách đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến để duy trì nuôi tôm quanh năm, đem lại thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, người dân mạnh dạn khai thác lợi thế bãi triều rộng thoải, lượng thức ăn tự nhiên phong phú để mở rộng quy mô nuôi thả ngao thương phẩm, ngao giống với tổng diện tích chiếm 36,54% diện tích nuôi trồng thủy sản ở Thái Bình.
Nhờ đó, những năm gần đây Thái Bình luôn duy trì và giữ vững sản lượng nuôi trồng thủy sản (nuôi ngao nước mặn đạt sản lượng 110 nghìn tấn/năm; nuôi ngao nước lợ đạt sản lượng hơn 12 nghìn tấn/năm). Bình quân giá trị nuôi ngao đạt từ 300 triệu đồng/ha đến 400 triệu đồng/ha và trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Theo kế hoạch chung của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, vùng quy hoạch nuôi ngao bãi triều giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 là 1.400ha, gồm 62ha ươm ngao giống và 1.338ha nuôi ngao thương phẩm (tập trung tại xã Thụy Trường, Thụy Xuân và Thái Đô, huyện Thái Thụy).