Người nông dân làm giàu từ cây ăn quả

BVR&MT – Những năm qua, người dân trong thôn Khai Hoang Bản Vàng, xã Hữu Vinh (Yên Minh – Hà Giang) đã tích cực mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu. Do có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển các loại cây ăn quả như: Xoài, mít, ổi, nhãn, cam, dứa… 

Đến thôn Khai Hoang Bản Vàng vào những ngày đầu tháng 10, những vườn cây ăn quả sai trĩu cành hiện ra trong ánh nắng vàng tươi, tô thêm gam màu no ấm cho cuộc sống của người dân nơi đây. Đón chúng tôi với cái bắt tay thật chặt, Trưởng thôn Lưu Minh Tắng hồ hởi cho biết: Toàn thôn có 34 hộ dân, hầu hết các gia đình đều phát triển kinh tế theo hướng trồng cây ăn quả, đặc biệt, một số hộ đã từng bước hướng đến sản xuất tập trung hàng hóa. Nhờ trồng cây ăn quả mà nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá hơn, với mức thu nhập đạt từ 100 – 250 triệu đồng/hộ/năm; diện mạo nông thôn cũng ngày càng khang trang, no ấm hơn.

Cây mít trĩu quả của gia đình ông Lưu Minh Tắng.

Để làm gương cho bà con trong thôn, Trưởng thôn Lưu Minh Tắng đã chủ động mở rộng diện tích cây ăn quả của gia đình. Với diện tích hơn 2 ha, ông tập trung trồng các loại cây: Xoài, ổi, dứa, cam, mít… theo hướng xen canh. Hiện nay, vườn ổi, mít đang vào thời kỳ thu hoạch; dứa cũng đang trong giai đoạn ra quả non, được gia đình kỳ công chăm sóc. Chỉ vào những cành ổi sai trĩu quả, ông Tắng cho biết: Đây là giống ổi lê Đài Loan, dễ trồng, cho năng suất cao, thời gian thu hoạch ngắn hơn các giống ổi khác. Từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch chỉ khoảng 12 tháng. Cây không kén đất và chống chịu sâu bệnh tốt. Tuy nhiên, để quả to đẹp, không bị cháy nắng và chống đượс sâu bệnh đục quả, thì khi quả được khoảng 2 – 5 ngày, gia đình phải huy động nhân lực bọc từng trái ổi bằng túi xốp thưa và túi nilon bên ngoài. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, vườn cây ăn quả đem lại cho gia đình tôi nguồn thu khoảng 200 triệu đồng, nhờ đó đời sống được nâng lên đáng kể.

Một trong những hộ tiên phong trồng và có diện tích cây ăn quả lớn trong thôn hiện nay là gia đình ông Chấu Tạ Thắng. Nhiều năm trước, ông cũng như các gia đình khác trong thôn, chủ yếu trồng các cây lương thực truyền thống như lúa, ngô, đậu tương… thu nhập không đáng kể. Sau nhiều chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm từ các tỉnh khác, ông đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung trồng các loại cây ăn quả như: Na, xoài, nhãn, Hồng xiêm… Dưới tán các loại cây ăn quả lâu năm, ông trồng cây dứa, vừa cho thu hoạch, vừa giữ ẩm cho đất. Toàn bộ diện tích cây ăn quả được gia đình ông đầu tư hệ thống tưới nước tự động, đảm bảo luôn cung cấp đủ nước cho cây trồng.

Vườn cây ăn quả với đa dạng các giống cây trồng

Ông Thắng cho biết: Ban đầu, khi mới trồng thử nghiệm, gia đình tôi cũng chỉ dám trồng hơn 1 ha, vì lo sợ cây không hợp khí hậu. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên các giống cây phát triển tốt, sau một thời gian đã cho thu hoạch những lứa quả ngọt đầu tiên. Những tín hiệu vui ban đầu đó đã khẳng định khí hậu, thổ nhưỡng của thôn rất phù hợp với các loại cây ăn quả nên gia đình tôi đã từng bước mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích vườn cây ăn quả của gia đình có khoảng 10 ha, đem lại thu nhập trên 350 triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó, tôi có điều kiện để xây dựng nhà ở kiên cố và chăm lo cho con cái học hành.

Hiện nay, trên 85% hộ dân thôn Khai Hoang Bản Vàng đều trồng cây ăn quả, nhà trồng ít cũng khoảng 500 m2 trở lên… Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, một số gia đình trong thôn đã áp dụng các quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng cao giá trị kinh tế cây trồng. Đồng thời, chủ động liên kết với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Hà Giang và một số tỉnh, thành khác để ổn định đầu ra, tránh tình trạng được mùa – mất giá. Theo thống kê, hiện toàn thôn có 64 ha cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là dứa 28 ha, Hồng không hạt 13 ha, ổi 11 ha, xoài 13 ha.

Đi dọc Quốc lộ 4C theo hướng Yên Minh – Mèo Vạc, chứng kiến những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát bên những vườn cây ăn quả sai trĩu cành mới thấy hết diện mạo đổi thay, no ấm của một vùng quê trên Cao nguyên đá. Chính sự cần cù, ham học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp cho cuộc sống của người dân thôn Khai Hoang Bản Vàng ngày càng giàu đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng Nông thôn mới của xã Hữu Vinh.

Sơn Tinh

Tags: ,
CHIA SẺ