BVR&MT – Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến cho các đợt hạn hán trên khắp Bắc bán cầu trong mùa Hè 2022 gia tăng ít nhất 20 lần, gây ảnh hưởng tiêu cực cho ngành nông nghiệp và sinh thái khu vực.
Đây là nội dung bản phân tích do Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu World Weather Attribution (WWA) công bố ngày 5/10.
Theo bản phân tích, 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8 là thời điểm nóng nhất ở châu Âu kể từ khi dữ liệu về nhiệt độ của châu lục bắt đầu được ghi chép. Năm 2022, nắng nóng nghiêm trọng tại khu vực này đã khiến cả châu lục trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ thời Trung Cổ.
Do ảnh hưởng của hạn hán, tình trạng cây cối khô héo xuất hiện tại các vựa lúa mì của châu Âu, trong khi nắng nóng làm bùng phát các đám cháy rừng nghiêm trọng chưa từng thấy và gây áp lực lớn mạng lưới điện của lục địa này do nhu cầu sử dụng điện làm mát tăng vọt.
Các đợt nắng nóng liên tiếp rơi tháng 6 đến tháng 7 đã cướp đi sinh mạng của 24.000 người tại châu Âu. Lần đầu tiên nhiệt độ tại Anh lên tới 40 độ C. Trong khi đó, Trung Quốc và Bắc Mỹ cũng trải qua nhiệt độ cao bất thường và lượng mưa đặc biệt thấp trong thời gian này.
Để định lượng tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với độ ẩm của đất, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thời tiết và mô phỏng máy tính để so sánh khí hậu ở thời gian thực nhiện được xác định nóng hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp – với khí hậu khi không có yếu tố biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Các nhà phân tích của WWA phát hiện ra khu vực Tây và Trung Âu đã trải qua hạn hán đặc biệt nghiêm trọng và làm giảm đáng kể năng suất cây trồng. Nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ khô hạn gấp 5 lần ở lớp đất 7cm tính mặt đất trên khắp Bắc bán cầu, song trong mùa Hè, nguy cơ này gia tăng lên ít nhất 20 lần ở tầng lớp đất dày 1m. Thực tế này đe dọa nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp.
Đáng chú ý, các nhà phân tích cho rằng điều kiện khí hậu hiện nay khiến tần suất xảy ra hạn hán mùa Hè ở Bắc bán cầu là 20 năm 1 lần, rút ngắn hơn nhiều so với tần suất 400 năm 1 lần vào giữa thế kỷ 18.
Hiện nông dân ở châu Âu và Trung Quốc đã cảnh báo về sản lượng thu hoạch các mặt hàng chủ lực thấp hơn đáng kể so với dự kiến do thời tiết khô hạn và điều này sẽ càng khiến giá lương thực leo thang sau khi đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine.