BVR&MT – Lúc 0 giờ ngày 28/9, tại Sở Chỉ huy tiền phương của tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành – Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 – đã chủ trì họp trực tuyến với các địa phương để nắm bắt thông tin, diễn biến và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4 (bão Noru).
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, hiện tại, bão số 4 cường độ cấp 13 giật cấp 15, đường kính gió mạnh trên cấp 10 là 100km. Vào 0 giờ ngày 28/9, vị trí bão ở 15,8 độ vĩ Bắc, 109 độ kinh đông, cách Đà Nẵng-Quảng Nam 80km. Bão đã gây gió mạnh ở đảo Lý Sơn cấp 10, giật cấp 12. Bão di chuyển ổn định hướng tây, khoảng 3-6 giờ tới, bão đổ bộ vào bờ. Khi cập bờ, gió bão cấp 11-13, giật cấp 15. Gió mạnh nhất tập trung vào Đà Nẵng, Quảng Nam và nam Thừa Thiên Huế.
Bão gây nước biển dâng 1-1,5m, sóng cao 3-6m, kết hợp thủy triều gây ngập lụt dọc ven biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Bão số 4 tiếp tục gây mưa lớn 200mm đến hết ngày 28/9 (tổng cả đợt phổ biến 400 mm, có nơi đạt 600mm), gây lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, trọng tâm thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và Kon Tum.
Theo báo cáo của các địa phương thì đến lúc 0 giờ, tại Đà Nẵng vẫn còn 60 ngư dân đang còn ở trên tàu thuyền neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang. Chính quyền đã cử lực lượng cưỡng chế. Trong thành phố đã nhiều cây xanh, bảng hiệu gãy đổ nằm la liệt trên đường. Tại Quảng Ngãi thời điểm đó đã có gió giật cấp 12 ở đảo Lý Sơn. Tại Quảng Trị thì từ chiều đã có lốc xoáy làm 120 nhà bị tốc mái, sập tường và 4 người bị thương. Hiện đảo Cồn Cỏ gió cấp 8, giật cấp 10; đảo Cồn Cỏ đã thực hiện mở 2 hầm quân sự để chiến sĩ và người dân vào trú ẩn, khoảng 400 người.
Họp khẩn với các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao các địa phương đã chuẩn bị rất tích cực, trách nhiệm. Phó Thủ tướng nêu rõ, tới thời điểm này, các địa phương, lực lượng đều ứng trực nghiêm túc. Phải chú trọng, đảm bảo an toàn cho người dân và tất cả các lực lượng cứu hộ, cứu người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sau khoảng 2 giờ, các địa phương báo cáo, cập nhật qua số đường dây nóng về tình hình, diễn biến, thiệt hại, những vấn đề phát sinh đột xuất, khó khăn. Nếu phát sinh những điều bất thường, tình huống xấu thì các địa phương phải báo cáo về Ban Chỉ đạo tiền phương lập tức. Trước những biến cố lớn, địa phương chưa làm chủ được tình hình thì phải thông tin, trên cơ sở đó sẽ điều động các lực lượng vào hỗ trợ.