BVR&MT – 3 xe tải chở phế liệu di chuyển ra khỏi Công ty Fuyu, đoạn qua cầu vượt Quang Châu đã bị lực lượng Hải quan tỉnh Bắc Ninh bắt giữ. Cả 3 chiếc xe này đều gắn biển Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS).
Cụ thể, vào khoảng 13h ngày 17/8, 03 chiếc xe tải chở phế liệu có biển kiểm soát gồm: 15C-336.13, 99C-166.88, 98H-012… di chuyển ra khỏi Công ty TNHH công nghệ chính xác Fuyu, bên trong khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, đến phía chân cầu vượt khu công nghiệp Quang Châu, đoạn vòng xuyến đã bị lực lượng Hải quan tỉnh Bắc Ninh tiến hành kiểm tra và bắt giữ. Cả 3 chiếc xe này đều gắn biển Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành. Toàn bộ thùng của những chiếc xe trên đều phủ vải bạt xanh.
Người dân chia sẻ, việc 3 xe tải đeo biển tên Công ty CP Môi trường Thuận Thành bị lực lượng Hải quan bắt giữ tại KCN Quang Châu có thể liên quan đến việc thu mua phế liệu từ doanh nghiệp chế xuất, không loại trừ hành vi “trốn” mở tờ khai hải quan.
Lực lượng chức năng cho biết, hiện vẫn đang tiến hành làm việc với tài xế của 3 chiếc xe trên theo quy định của pháp luật.
Được biết, Thuận Thành EJS là cái tên lớn trong xử lý phế liệu, rác thải công nghiệp.
Thuận Thành EJS khẳng định tên tuổi trong lĩnh vực từ khi nhận xử lý rác thải cho các doanh nghiệp FDI. Nhiều năm qua, Thuận Thành EJS được biết đến là đối tác lớn giúp Samsung Việt Nam giải quyết vấn đề xử lý rác thải ở 2 nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên.
Ngoài ra, Thuận Thành EJS cũng là bên thực hiện nhiều gói thầu xử lý rác thải tại các bệnh viện, như: Dịch vụ vận chuyển và xử lý rác thải y tế năm 2020 tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội; Cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại tại Bệnh viện Bưu điện; Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại năm 2019 tại dự án của Công ty Nhiệt điện Mông Dương …
Theo quy định của pháp luật, việc bán phế liệu, phế phẩm của doanh nghiệp chế xuất vào thị trường nội địa được thực hiện theo quy định tại Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi bổ sung tại điểm 4 khoản 51 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính. Cụ thể: “Đối với phế liệu, phế phẩm được phép bán vào thị trường nội địa: Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Chương II Thông tư này, theo đó DNCX làm thủ tục xuất khẩu và doanh nghiệp nội địa mở tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu theo loại hình tương ứng”. Như vậy, sau khi làm thủ tục quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất có thể ký hợp đồng kinh tế để bán nguyên liệu dư thừa sau quá trình sản xuất cho doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế xuất phải mở tờ khai theo loại hình sản xuất kinh doanh, đồng thời doanh nghiệp nội địa mở tờ khai nhập khẩu đối ứng theo loại hình nhập kinh doanh. Sau đó, doanh nghiệp nội địa sẽ dùng các tờ khai này để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa từ doanh nghiệp chế xuất vào nội địa và xuất trình khi có lực lượng chức năng kiểm tra. Hiện nay, theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 39/2018/TT-BTC, cơ quan Hải quan không triển khai lực lượng giám sát trực tiếp tại cổng ra, vào của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất. Việc này nhằm mục đích tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi, mua bán hàng hóa giữa doanh nghiệp chế xuất với các doanh nghiệp trong nội địa. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng quy định này để đưa hàng hóa là nguyên vật liệu của doanh nghiệp chế xuất, thuộc diện miễn thuế vào thị trường nội địa tiêu thụ. |
Sơn Tinh