BVR&MT – Đặt mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm cây mắc-ca trong khu vực Tây Bắc, thời gian qua tỉnh Điện Biên đã chủ động kêu gọi các nhà đầu tư phát triển cây mắc-ca, xây dựng nhà máy chế biến mắc-ca tại địa bàn. Theo đó, chỉ trong thời gian ngắn (từ năm 2018 đến nay), Điện Biên đã có 13 nhà đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư trồng cây mắc-ca với quy mô hơn 85 nghìn ha, tổng vốn đầu tư hơn 15.551 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế, tất cả các dự án mắc-ca tại Điện Biên đều gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ rất chậm.
Thống kê đến ngày 31/7/2022, toàn tỉnh Điện Biên mới đo đạc, quy chủ được 13.253ha (đạt 15% tổng diện tích được tỉnh chấp thuận cho các dự án mắc-ca); diện tích đã trồng cây mắc-ca là 3.983ha (đạt 4,64% diện tích được phê duyệt và đạt 27% diện tích nhà đầu tư cam kết thực hiện đến năm 2022); tổng vốn đầu tư 1.277 tỷ đồng (đạt 8,22% tổng vốn được phê duyệt). Toàn tỉnh có chín hợp tác xã mắc-ca được thành lập tại bảy huyện, thành phố, gồm: Tuần Giáo, Mường Nhé, Điện Biên, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Riêng kế hoạch trồng mới mà các nhà đầu tư đã cam kết với tỉnh sẽ trồng trong năm 2022 là 8.557ha thì đến thời điểm này mới trồng được 813ha (đạt 10% so với tổng diện tích cam kết). Điều đáng nói trong tổng diện tích đã trồng mới từ đầu năm 2022 đến nay thì có tới 660ha do Công ty cổ phần mắc-ca Mường Then trồng tại xã Pu Luông, huyện Điện Biên. Số diện tích còn lại thuộc dự án mắc-ca công nghệ cao tại xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông (30ha) và dự án mắc-ca công nghệ cao tại huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ (123ha). Còn các dự án khác đều không thể triển khai trồng được một héc-ta nào.
Tại buổi làm việc với chủ đầu tư các dự án trồng cây mắc-ca do Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án mắc-ca tỉnh vừa tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đã thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía nhà đầu tư, UBND cấp huyện và một số sở, ngành khiến các dự án mắc-ca không đạt tiến độ. Với các nhà đầu tư, ông Lê Thành Đô đánh giá, hầu hết các nhà đầu tư chưa tích cực, chủ động trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án làm căn cứ, cơ sở pháp lý cho việc triển khai các bước tiếp theo; đặc biệt là thủ tục về đất đai mà cụ thể là hồ sơ xin thuê đất.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng; bộ máy hoạt động chưa được xây dựng đầy đủ, bài bản, hiệu quả hoạt động chưa cao, nhất là trong việc phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức thực hiện dự án. Với UBND các huyện trong vùng dự án, còn biểu hiện thờ ơ, để mặc nhà đầu tư loay hoay ở cơ sở trong khi có việc rõ ràng thuộc trách nhiệm của chính quyền. Nhắc lời khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ Nguyễn Tuấn Anh về việc “Thành phố không nhận được hồ sơ của nhà đầu tư nào đề nghị cho thuê đất”, ông Lê Thành Đô rất không hài lòng với cách làm việc này.
Ông nhấn mạnh: “Đo đạc, quy chủ là trách nhiệm của thành phố nhưng vì tiến độ nhà đầu tư đã tự nguyện bỏ vốn, hỗ trợ địa phương làm đo đạc, quy chủ. Vậy thì thành phố phải chủ động cử cán bộ cùng nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện đo đạc, quy chủ chứ không phải chỉ ngồi đợi nhà đầu tư trình”. Còn với một số huyện, như: Điện Biên, Nậm Pồ hiện còn tình trạng người dân chưa thông chủ trương, chưa cho nhà đầu tư vào đo đạc, quy chủ đất thì trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền các huyện này.
Dẫn chứng kết quả đạt được của hai huyện Mường Nhé, Mường Ảng, ông Lê Thành Đô đã chỉ rõ rằng: Tương đồng về điều kiện, địa hình mà Mường Ảng, Mường Nhé làm được thì rõ ràng người ta sát sao hơn và trách nhiệm hơn!
Đồng tình với nhận xét của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến còn thẳng thắn phê bình cách làm việc, hoạt động của các tổ giúp việc. Đồng chí Lò Văn Tiến nói rằng: Có ba tổ giúp việc do lãnh đạo ba Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường làm tổ trưởng song các tổ giúp việc không chủ động, không thường xuyên liên hệ các nhà đầu tư cập nhật khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ giải quyết, chỉ đến khi Ban Chỉ đạo yêu cầu báo cáo thì mới cập nhật số liệu từ huyện.
Dẫn chứng vướng mắc trong định giá tài sản vườn cây của Công ty cổ phần mắc-ca Him Lam, ông Lò Văn Tiến yêu cầu: Các ngành phải tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết triệt để vướng mắc chứ không phải chỉ gợi ý sơ sơ rồi để mặc doanh nghiệp như thế!
Yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc
Đề cập vướng mắc về đất đai là vấn đề cơ bản nhất trong việc triển khai các dự án mắc-ca trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên chỉ rõ, vướng mắc này đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự liệu lường trước. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tăng cường thông tin về hiệu quả kinh tế của cây mắc-ca đến người dân vùng dự án; đồng thời yêu cầu chính quyền cấp huyện, cấp xã và các sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh khẩn trương vào cuộc hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục.
Cùng với đó, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập riêng Ban Chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư trồng cây mắc-ca cấp tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban; thành lập ba tổ giúp việc Ban Chỉ đạo với trách nhiệm thường xuyên tham mưu, họp bàn tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư đang triển khai dự án mắc-ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên, vậy nhưng, tiến độ các dự án mắc-ca đến nay vẫn quá chậm. “Thực trạng này có phần trách nhiệm của mỗi chúng ta chứ không phải hoàn toàn do khách quan là yếu tố thời tiết”-đồng chí Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành thành viên Ban Chỉ đạo, cụ thể là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn về đất cho doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu các huyện, thành phố có dự án trồng mắc-ca phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tham gia các dự án trồng mắc-ca thay vì để nhà đầu tư tự xoay xở, bơ vơ khi về địa bàn.
Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng các dự án mắc-ca với sự phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự của Điện Biên, Bí thư Nguyễn Văn Thắng yêu cầu phải gắn trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành; cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố với kết quả triển khai các dự án mắc-ca. Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xét thêm kết quả triển khai các dự án mắc-ca tại địa bàn là căn cứ nhận xét, đánh giá năng lực cán bộ trước khi luân chuyển, bổ nhiệm.
Riêng với các nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên mong muốn nhà đầu tư chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thiện các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án; đồng thời chủ động đề xuất xây dựng nhà máy chế biến, văn phòng đại diện tại các địa phương.