BVR&MT – Hình ảnh cây dừa đã quá đỗi gần gũi, đi vào lòng người dân Nam Bộ với những lời thơ mộc mạc: “Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ/Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ” (Dừa ơi – Lê Anh Xuân). Ngày nay, ngoài sự gắn bó trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, sản phẩm chế biến từ dừa còn là những mặt hàng xuất khẩu đến thị trường của hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong dịp đến thăm một số doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, hộ trồng dừa hữu cơ, dừa sáp cấy phôi tại tỉnh Trà Vinh tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh theo hướng phát huy lợi thế so sánh; triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.
Hồi phục vườn dừa
Trước đây, khoảng 80% diện tích vườn dừa của tỉnh Trà Vinh bị bọ cánh cứng gây hại nên năng suất, sản lượng dừa bị tụt giảm đáng kể. Bọ cánh cứng cư trú, gây hại ở các lá đọt non của cây dừa, thân dừa cao, trong khi dừa chủ yếu được trồng quanh nhà, ao nuôi thủy sản, chuồng gia súc. Vì vậy, tiêu diệt bọ cánh cứng hại dừa bằng thuốc hóa học cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của con người, vật nuôi.
Từ nguồn vốn tài trợ của tổ chức FAO thuộc Liên hợp quốc, năm 2003, Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh triển khai đề tài khoa học “Quản lý tổng hợp bọ cánh cứng gây hại dừa ở Việt Nam”.
Theo đó, các cán bộ khoa học của trường đã được cử đến Indonesia để nhập ong ký sinh về nước và nuôi thử nghiệm trong phòng kín. Kết quả thử nghiệm cho thấy, đàn ong chỉ ký sinh sâu non bọ cánh cứng gây hại dừa, không ký sinh trên các sinh vật khác như kiến vàng, sâu tơ, ong mật,… và chưa thấy dấu hiệu gây hại sức khỏe con người. Cuối tháng 8/2003, lần đầu tiên trong cả nước, ong ký sinh được phóng thích ra đồng tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh để phòng trị bọ cánh cứng gây hại dừa. Sau đó, quần thể ong ký sinh được thiết lập rộng khắp các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sâu non bọ cánh cứng gây hại dừa bị ký sinh tự nhiên khá cao với tỷ lệ ước khoảng 70-80%. Nhờ đó, diện tích vườn dừa của vùng đất “Chín Rồng” được hồi phục và sản lượng trái tăng dần trở lại.
Đầu năm 2022, dịch hại sâu đầu đen trên cây dừa đã lây lan nhanh chóng tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… Ngay sau khi phát hiện sâu đầu đen gây hại trên cây dừa xuất hiện tại các huyện Càng Long, Tiểu Cần, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã hướng dẫn, hỗ trợ nhà vườn xử lý tiêu hủy tàu dừa bị hại nặng để hạn chế tình trạng lây lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh phối hợp Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre phóng thích bốn triệu con ong mắt đỏ phòng trị sâu đầu đen gây hại dừa.
Ngoài dịch bệnh gây hại cây dừa, mỗi khi sản phẩm chế biến từ trái dừa gặp khó về đầu ra, dừa trái rớt giá thì nhiều nhà vườn sẽ đốn bỏ dừa và thay thế bằng cây trồng, vật nuôi khác. Với mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững vùng nguyên liệu dừa trái, giai đoạn 2012-2015, UBND tỉnh Trà Vinh đã thực hiện chính sách hỗ trợ đột xuất một lần với số tiền 1,5 triệu đồng/ha cho khoảng 40 nghìn hộ trồng dừa trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Sở Công thương tỉnh Trà Vinh cũng triển khai thực hiện đề án quy hoạch trồng, cải tạo và chế biến dừa trái trên địa bàn tỉnh. Nhà vườn Nguyễn Phước Nam, ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành cho biết, trước đây, khi quả dừa rớt giá, gia đình ông đã đốn bỏ 150 cây dừa đang cho quả để trồng cà chua, dưa leo và các loại rau ăn lá. Nhiều năm liền, quả dừa ổn định với mức giá 60.000-80.000 đồng/12 quả, gia đình ông Nam đã khôi phục lại 1ha vườn dừa. Với gần 200 gốc dừa cao sản đã cho quả, hằng tháng gia đình ông có nguồn thu nhập khá ổn định. Đến nay, tỉnh Trà Vinh có 23.698ha dừa, đứng thứ nhì cả nước, chủ yếu là các giống dừa năng suất, chất lượng cao; 85% diện tích dừa đã cho quả, sản lượng đạt gần 307 nghìn tấn, tương đương khoảng 256 triệu quả/năm.
Tại tỉnh Tiền Giang, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Mẫn, những năm gần đây, nhà vườn của tỉnh có nguồn thu nhập khá ổn định từ cây dừa. Điều kiện đất đai, khí hậu tại các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phú Đông, Gò Công Tây thích hợp cho cây dừa phát triển. Thời gian tới, diện tích vườn dừa của tỉnh có xu hướng tăng nhanh, do sản phẩm chế biến từ quả dừa đã có thị trường tiêu thụ ổn định.
Tiền Giang hiện có hơn 20.000ha dừa; trong đó có 17.000ha dừa đang cho quả, năng suất bình quân đạt 10,74 tấn/ha và sản lượng gần 184 nghìn tấn/năm. Với sự phát triển nhanh về diện tích cây dừa, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn nông dân quy trình kỹ thuật trồng, biện pháp phòng trừ sâu hại. Đặc biệt, khuyến khích người dân trồng dừa hữu cơ, ứng dụng các biện pháp sinh học trong việc quản lý bọ cánh cứng và phòng trừ sâu đầu đen gây hại dừa.
Trồng dừa hữu cơ gắn với chế biến xuất khẩu
Tỉnh Bến Tre được mệnh danh là xứ sở dừa của Việt Nam. Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, phù sa bồi đắp quanh năm, vùng đất cù lao tỉnh Bến Tre ngút ngàn với những rặng dừa xanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, để tôn vinh bản sắc xứ dừa, tỉnh đã nhiều lần tổ chức Lễ hội Dừa Bến Tre. Các hoạt động của lễ hội nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm dừa Việt Nam với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời tạo cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa giữa các nông dân, doanh nghiệp, thúc đẩy liên kết và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa Bến Tre. Hiện Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất Việt Nam với khoảng 77.000ha, sản lượng hơn 620 triệu quả/năm, chiếm 40% sản lượng cả nước.
Nhiều năm qua, mặt hàng quả dừa tỉnh Bến Tre được chú ý nhiều cả về sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Sản phẩm từ quả dừa rất đa dạng: gáo dừa chế biến thành than hoạt tính; cơm dừa sấy khô phục vụ ngành chế biến thực phẩm; xơ dừa chế biến thành thảm xơ dừa và nệm xơ dừa; mùn dừa chế biến thành đất sạch; nước dừa chế biến thạch dừa, kẹo dừa. Đây là những mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.
Tại Trà Vinh, làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Đức Mỹ, huyện Càng Long đã được hình thành gần 20 năm với các ngành nghề tơ xơ dừa, sản xuất đất sạch, thảm xơ dừa. Một số cơ sở sản xuất tơ xơ dừa nơi đây đã ứng dụng khoa học-công nghệ để sản xuất phân bón hữu cơ với nguồn nguyên liệu mụn dừa, men vi sinh để bón cho đất, cải tạo đất bạc màu, tăng độ phì nhiêu cho đất. Nhiều năm qua, Công ty cổ phần Trà Bắc, phường 4, thành phố Trà Vinh đã phát huy được lợi thế cạnh tranh quốc tế với hai sản phẩm than hoạt tính và cơm dừa sấy khô. Công ty đang là nhà sản xuất than hoạt tính với quy mô lớn nhất Việt Nam, sản phẩm được sản xuất từ than sọ dừa dạng hạt, bằng phương pháp vật lý với công nghệ hoạt hóa bằng hơi nước ở nhiệt độ cao.
Thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh hiện nay có đường hoa dừa và mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần; kẹo dừa sáp lá dứa Vicosap, kẹo dừa sáp ca cao Vicosap của Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè đã nhanh chóng khẳng định vị thế và được thị trường đón nhận. Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm Thạch Thị Chal Thi cho biết, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu tới các nước Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan. Hiện công ty đang hướng dẫn 31 hộ trồng dừa ở ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần áp dụng quy trình canh tác dừa hữu cơ, hợp đồng tiêu thụ mật hoa dừa với giá 15.000 đồng/lít, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn gấp 5 đến 6 lần so với trồng dừa thu hoạch trái.
Việc thúc đẩy phát triển liên kết bền vững các chuỗi sản phẩm dừa, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ gắn với các nhà máy chế biến đang giúp các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền nông nghiệp bền vững, đa dạng sinh học, an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường tự nhiên.