BVR&MT – Đã lâu lắm rồi trám rừng Chí Linh mới lại sum suê như mùa hè năm nay. Thứ quả này là đặc ân của núi rừng và cũng nhắc nhở những người đi rừng phải trân quý, giữ gìn.
Lâu lắm rồi, năm nay vùng rừng Chí Linh mới lại được mùa trám. Núi rừng vốn chẳng thiếu quà ngon nhưng thứ quả chan chát, ngòn ngọt mang đậm hương vị của miền sơn cước khiến nhiều người bồi hồi, xuyến xao…
Vị rừng mùa hạ
Trám rừng là loại quả mà ông Vũ Đức Tiến, sinh năm 1959, ở khu dân cư Bến Tắm, phường Hoàng Tân gắn bó từ thuở bần hàn, đói kém. Giờ đây khi đã có “của ăn của để”, mắt đã mờ, chân đã mỏi nhưng cứ đến mùa trám rụng, ông Tiến lại tất bật chuẩn bị đồ nghề lên rừng thu hái. Từ nhỏ ông đã gần gũi với núi rừng nên thuộc nằm lòng từng vùng rừng nơi đây. Nơi nào có cây trám to, cho quả ngon đều được ông đánh dấu trong đầu. Ngày trước, cuốc bộ hơn chục cây số mới tới rừng, lớn thêm thì kẽo kẹt đạp xe, còn lúc khấm khá hơn có chiếc xe máy cà tàng để chạy cho bớt vất vả. Dù vậy khi lên rừng vẫn phải tự thân vận động, men theo lối mòn để tới cây trám ưng ý, quả sai.
Theo ông Tiến, cây trám có thân mộc, cành vươn cao hứng trọn sương đêm và rễ ăn sâu bám chặt đất rừng, nổi bật nhất trong các loại cây rừng. Vì thế, dưới những tán rừng rậm rạp, tầng tầng lớp lớp khó mà quan sát được cây ít hay nhiều quả. Thế nhưng người đi rừng đã đúc rút được rằng cứ mưa nhiều là trám tốt. Do vậy, từ những cơn mưa đầu mùa như trút nước, ông Tiến đã chắc mẩm năm nay trám được mùa. “Quả thật không sai, mới đầu vụ mà trám trắng rụng xanh gốc, tha hồ nhặt. Thường nhiều người chỉ nhớ tới rừng Chí Linh khi mùa dẻ đến mà ít biết rằng trám rừng ở đây cũng rất được lòng thực khách. Vào mùa, ngoài xuất hiện trong bữa ăn của người dân Chí Linh, quả trám còn được thu mua, đem bán ở nhiều nơi làm quà biếu tặng”, ông Tiến hào hứng khoe.
Trong ký ức của ông Tiến, mùa trám gắn với những nhọc nhằn, vất vả nhưng chẳng ai muốn quên đi mà luôn khắc ghi về thời kỳ nghèo khó để càng thêm trân trọng thứ quả này. Ngày trước, ông hái trám đổi lấy gạo, quả trám nuôi sống gia đình ông trong những ngày giông bão. Còn hiện tại đây không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là thú vui khó bỏ. Ông kể, mỗi lần đi lấy trám phải lúc lỉu đồ đạc mang theo vì xác định đi là mất ngày, mất buổi. Nào đồ ăn, đồ đựng, đồ thu hái rồi đồ gánh gồng. Mệt nhọc, vất vả nhưng nhìn thành quả là những quả trám tròn mẩy, căng đầy thì ai cũng mát lòng mát dạ. Đi thu trám ít ai đi một mình mà phải có đôi, có cặp để người rung cây, người nhặt cho đỡ mất thời gian. Nếu không có người đi cùng thì phải đợi sau trận mưa lớn, gió to, trám rụng kín gốc chỉ cần tới nhặt mang về. Nhiều năm nay trám mất mùa, đi mỏi chân, tìm đỏ mắt mới thấy cây trám có quả. Song không phải cứ thấy là lấy vì người đi rừng có nguyên tắc riêng. Giữa núi rừng mênh mông, bạt ngàn, bằng cảm quan có được từ kinh nghiệm nhiều năm đi rừng họ biết được cây nào có thể lấy, cây nào đã vào tầm ngắm của người khác để nhường nhịn nhau. Vậy nên, vào mùa trám, người lên rừng đông như hội, có thời điểm giá trám lên cao từ 30.000-40.000 đồng/kg nhưng không ai tranh giành, mâu thuẫn để nhận phần hơn. Cả chủ rừng và người đi rừng luôn tâm niệm đã là “lộc” từ rừng thì không giữ, không tranh, ai bỏ nhiều công sức sẽ được hơn phần.
Trám rừng Chí Linh có 2 loại, trám trắng vỏ xanh, còn trám đen vỏ tím đậm. Trám trắng còn chia thành trám hồng, trám sẹo song chỉ người đi rừng lâu năm mới nhận biết và phân biệt được. Mùa trám trùng với mùa nước đổ, kéo dài từ cuối tháng6 đến đầu tháng 8 âm lịch. Trám trắng cho thu sớm hơn trám đen nên thường được giá hơn. Mưa xuống thay “áo mới” cho cây rừng và nối mạch nước chảy của suối nguồn nên tôm cá nhiều hơn. Sự đồng điệu này còn hoà hợp khi không gì ngon bằng nấu cá với trám. Vị chát của trám giúp khử mùi tanh của cá, thêm chút ngọt bùi khiến món cá càng dậy vị. Không chỉ hợp với cá, quả trám bở bùi còn dùng để kho thịt, muối chua ăn rất đưa cơm nên ai từng thử qua thì sẽ nhớ mãi. Chính vì thế mà giờ đây, quả trám không còn là hiện thân cho giai đoạn đói kém, dùng để ăn độn mà là đặc sản được nhiều người lần mua để thưởng thức hương vị đặc trưng của núi rừng.
Gìn giữ
“Núi rừng mùa hạ nhiều đặc sản, mỗi loại mang một nét riêng nhưng khó gì có thể sánh bằng trám rừng”, đó là quan điểm của anh Bùi Văn Thảo ở thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám khi nói về thức quà mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng cả tinh hoa của núi rừng này. Nâng niu những quả trám đầu mùa trên tay, anh Thảo kể, tuy chưa vào chính vụ nhưng nhiều người đã gọi điện đặt hàng để được thưởng thức thứ quả đánh thức vị giác này. Chát nơi đầu lưỡi, đến họng lại đổi vị ngọt, lúc sau nuốt nước bọt thôi vẫn thấy đậm đà. Thế nên trám rừng được lòng nhiều thực khách. Đáng tiếc là đến nay cây trám trên vùng rừng Chí Linh không còn nhiều.
Khu rừng anh Thảo nhận giao khoán hơn 30 ha nằm sâu trên núi cao, giáp 2 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang. Đường vào rừng trám mùa này sình lầy bùn đất. Tuy nhiên nơi này vẫn có sức hút với dân đi rừng mỗi mùa trám trĩu quả. Bởi ở đây có hàng trăm cây trám cổ thụ, hai người ôm vẫn đẫy đà. Những người đi rừng chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm với rừng đều khẳng định trám trên rừng anh Thảo đẹp và ngon nhất vì cây càng lớn quả càng to, vị càng đượm, càng bùi. Có lẽ vậy, dù xa xôi, đi lại bất tiện, nhiều người vẫn không quản khó khăn để lên đây thu trám. Anh Thảo cũng không giữ mà sẵn sàng chia sẻ với mọi người, cùng thu lợi từ sản vật vốn thuộc về tự nhiên này, chỉ cần người đi rừng có ý thức giữ gìn, bảo vệ cây rừng. Cây trám ở rừng anh Thảo trông coi có tuổi đời từ 50-60 năm, thân cao hàng chục mét. Nếu được mùa, mỗi cây sẽ cho thu hàng tạ quả. Những quả già rụng xuống gốc nhặt không hết mọc thành cây con. Với sự cần mẫn và nhiệt huyết với cây rừng, anh Thảo đều cẩn thận lựa chọn cây giống, trồng ở vị trí phù hợp để cây trám ngày một sinh sôi, đâm chồi.
Là người được hưởng lợi từ rừng, anh Thảo luôn trăn trở làm sao giữ được rừng nguyên sinh, nhất là những cây trám cổ thụ. Vừa đi men theo con đường mòn gập ghềnh thêm phần lầy lội vì trận mưa hôm trước, anh Thảo vừa kể trước đây trám ở rừng Chí Linh nhiều lắm, đủ chủng loại. Cây to, cây bé cứ nối tiếp nhau lớn lên, ôm lấy đất rừng. Tuy nhiên vì kém hiểu biết, vì mưu sinh mà người dân chặt bỏ nhiều nên hiện nay cây trám chỉ còn tập trung ở những vùng rừng sâu. Khi nhận ra nguồn lợi đang mất dần, không ít người đã trồng cây mới nhưng thời gian chưa đủ bù đắp được những cây trám đã mất đi. Do đó, với những cây trưởng thành, anh Thảo luôn đau đáu tìm mọi cách giữ gìn. “Có nhiều cách lấy quả trám nhưng vì cây cao, cành giòn, quả lại tận đầu ngọn nên mọi người truyền tai nhau cách đóng đinh sắt vào thân cây cho quả nhanh rụng. Tôi không giữ rừng, không ngăn cản mọi người lên thu trám song không đồng tình với cách làm trên. Như vậy sẽ gây hại cho cây, không khai thác được lâu dài. Do đó những ai muốn lên rừng lấy trám, tôi đều thoả thuận phải làm thủ công, bảo đảm an toàn nhất cho cây trám”, anh Thảo giãi bày.
Đã lâu lắm rồi trám rừng Chí Linh mới lại sum suê đến vậy, như thể đáp lại tấm chân tình của những người đang ngày đêm miệt mài chăm bẵm cho từng vạt rừng. Trám được mùa mới đầu vụ, vùng rừng có trám đã rộn ràng tiếng nói, tiếng cười của những người đi thu hái. Thương lái nhiều nơi cũng đổ về để ngóng chờ những mẻ trám được đưa xuống bán. Mùa trám rừng không quá dài cũng không quá ngắn, đủ để mọi người gần gũi, gắn bó hơn với núi rừng. Thứ quả này là đặc ân của núi rừng và cũng nhắc nhở những người đi rừng nhận lại để cho đi.