BVR&MT – Tỉnh Gia Lai đầu tư hàng loạt các công trình thủy lợi nhưng do phát sinh những bất cập trong việc lập dự án, dẫn đến nhiều công trình sau khi hoàn thành vẫn không thể phát huy được hiệu quả.
Không có vùng tưới, thiếu kênh dẫn nước khiến nhiều công trình thủy lợi phải “đắp chiếu”, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội.
Điển hình như Dự án hồ chứa nước Ia Rtô, thị xã Ayun Pa có tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Theo thiết kế của dự án, khi hoàn thành, hồ chứa nước Ia Rtô sẽ phục vụ cấp nước tưới cho 600 ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 40.000 người dân trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, sau gần 2 năm hoàn thành, hầu hết người dân nơi đây vẫn chưa được hưởng lợi từ công trình thủy lợi này.
Gia đình chị Nay Nưi ở xã Ia Rtô, thị xã Ayunpa có 2 ha đất canh tác ngay dưới chân đập thủy lợi Ia Rtô, nhưng gần 2 năm qua, kể từ khi công trình thủy lợi này hoàn thành, đất canh tác của gia đình chị vẫn trong tình trạng “khô khát”. Mong ước có được nguồn nước tưới ổn định để chuyển đổi sang canh tác lúa nước của gia đình chị chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực.
Chị Nay Nưi chia sẻ, ở đây rất khó khăn về trồng trọt vì không có nước tưới. Diện tích đất canh tác của gia đình mình chủ yếu trông chờ vào nước mưa để trồng bắp, trồng sắn. Nếu có nguồn nước từ thủy lợi thì gia đình có thể chuyển đổi qua trồng lúa hiệu quả hơn, nhưng bây giờ vẫn chưa có nước nên chỉ đành tiếp tục trồng sắn.
Không riêng gì thủy lợi Ia Rtô, đặc điểm chung của hầu hết các công trình thủy lợi được xây dựng trong thời gian gần đây tại Gia Lai đều chịu cảnh nước đầy hồ nhưng không thể tưới.
Nguyên nhân là do các công trình này sau khi hoàn thành đập đầu mối, ngành chủ quản mới tính đến phương án xây dựng kênh dẫn tưới. Thậm chí, có công trình thủy lợi đã xây dựng xong không biết tưới đi đâu vì chưa có quy hoạch vùng tưới.
Sự thiếu đồng bộ này đã khiến nhiều công trình thủy lợi không thể phát huy công năng, trong khi hàng nghìn ha đất hạ du của các công trình này đang phải chịu cảnh thiếu nước, khô hạn.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, dù thời gian qua, tỉnh đã cố gắng đầu tư khá nhiều công trình thủy lợi quan trọng như: Plei Thơ Ga, Tầu Dầu 2, Ia Rtô… để giải quyết nguồn nước tưới cho các diện tích đất khô hạn. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tưới chủ động trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai vẫn chiếm tỷ lệ thấp nhất trong khu vực.
Tỉnh Gia Lai hiện có 352 công trình thủy lợi với tổng năng lực thiết kế tưới cho hơn 67.400 ha cây trồng; trong đó, diện tích lúa gần 37.000 ha; rau màu, cây công nghiệp các loại hơn 30.500 ha.
Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các công trình thủy lợi trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho hay, thời gian tới Gia Lai tiếp tục bố trí vốn xây dựng các hệ thống kênh mương để đảm bảo các công trình thủy lợi phát huy tác dụng.
Về lâu dài, trong quá trình lập dự án Gia Lai sẽ yêu cầu các chủ đầu tư và đơn vị sử dụng cùng nhau phối hợp tính toán công suất tưới của hệ thống đập. Từ đó, xây dựng số km kênh mương để đưa vào tổng mức đầu tư công trình cho đồng bộ.
Đồng thời, chủ đầu tư phải đảm bảo việc giải phóng mặt bằng thì mới đầu tư xây dựng kênh mương dẫn nước, đảm bảo đập xây xong thì hệ thống kênh mương cũng được hoàn thành để công trình phát huy tác dụng ngay.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai mới đây, tỉnh đã ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn. Trong số này, có khá nhiều các công trình thủy lợi đã được xây dựng xong phần đập chính và đáng ra đã được đưa vào sử dụng.
Cũng theo nghị quyết này, Gia Lai sẽ đầu tư gần 500 tỷ đồng để xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh mương của các công trình thủy lợi, thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2026. Điều này đồng nghĩa với việc, các vùng đất khát phải chờ thêm vài năm nữa mới có được nguồn nước tưới mát.