BVR&MT – Sinh Tàn là khu người Dao xa nhất của xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn. Có một thời, khu Sinh Tàn được mệnh danh là “hoang đảo giữa đại ngàn” nhưng nay cuộc sống đồng bào dân tộc nơi đây đã chính thức ra khỏi “hai không”, “Không điện lưới, không sóng điện thoại”. Vừa qua, sóng điện thoại, internet đã được Viễn thông Phú Thọ (VNPT Phú Thọ) “cõng” thành công lên đỉnh Èng Choong, bao phủ cho toàn bộ hơn 70 hộ gia đình dân tộc Dao nơi đây.
Mặc dù chỉ cách trung tâm xã Thượng Cửu chừng gần chục km nhưng khu Sinh Tàn là bản đặc biệt khó khăn, trước đây, các thế hệ người Dao sống trong cảnh nhiều không (không điện lưới quốc gia, không nước sạch sinh hoạt, không đường bê tông, không sóng điện thoại…), trình độ canh tác lạc hậu. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, từ những chương trình nông thôn mới và phát triển giao thông miền núi, đường giao thông đã vào đến tận khu, người dân đã được dùng điện lưới Quốc gia và đến nay đã có sóng điện thoại, các dịch vụ viễn thông.
Anh Đặng Thế Mão – người dân khu Sinh Tàn cho biết: “Trước đây người dân trong khu muốn liên lạc với nhau phải đến tận nhà, nhiều hôm con bị ốm, muốn thông báo cho thầy cô giáo cũng phải đến tận trường, nên mất nhiều thời gian. Giờ có sóng di động có thể gọi điện hỏi thăm người thân, họ hàng nơi xa, hỏi cách làm ăn để phát triển kinh tế…”.
Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu Đinh Văn Dũng phấn khởi nói: “Mỗi khi muốn nắm tình hình hay triển khai các công việc của xã đến khu phải trực tiếp chạy xe máy vào tận nơi, nhất là khi xảy ra thiên tai đột ngột thì việc nắm thông tin lại càng khó khăn, mất nhiều thời gian. Bây giờ có sóng, có mạng, việc thông tin liên lạc với người dân trong bản dễ dàng, thuận lợi hơn, giúp ích nhiều cho công việc của Ủy ban cũng như giúp người dân nơi đây nâng cao chất lượng cuộc sống…”.
Được sử dụng sóng điện thoại, mạng internet không chỉ là niềm vui của bà con trong khu mà còn là niềm ao ước của thầy, cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Thượng Cửu (khu Sinh Tàn). Cô Nguyễn Thị Cẩm Thúy- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Có mạng internet sẽ giúp học sinh vùng cao được tiếp cận công nghệ thông tin. Các thầy cô giáo cũng có thêm điều kiện để trao đổi công tác giảng dạy với đồng nghiệp ở những nơi khác, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của trường”.
Sau nhiều năm “trắng” sóng di động, giờ đây, hơn 70 hộ gia đình dân tộc Dao ở khu Sinh Tàn đã có được cơ hội sử dụng các dịch vụ thông tin liên lạc, không chỉ trên sóng 3G mà còn kết nối qua mạng internet với công nghệ 4G. VNPT Phú Thọ đã triển khai thi công lắp đặt một trạm thu, phát sóng di động BTS, một điểm cung cấp dịch vụ băng rộng cố định với 145 cột bê tông, hơn 12km cáp quang, tổng kinh phí đầu tư gần hai tỉ đồng. Sau hơn một tháng triển khai, công trình hạ tầng số khu Sinh Tàn đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, khẳng định nỗ lực của VNPT Phú Thọ trong việc phủ sóng viễn thông, băng rộng di động tại các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
Ông Đặng Việt Hải- Phó Giám đốc VNPT Phú Thọ chia sẻ trong ngày khai trương hạ tầng số tại khu Sinh Tàn: “Vậy là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tin cậy giao cho. Quá trình thi công công trình hạ tầng số gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện địa hình cao, khoảng cách, giao thông đi lại không thuận lợi. Tuy nhiên, tập thể Ban Giám đốc Công ty đã động viên anh em khắc phục, huy động kỹ thuật, nghiệp vụ bám địa bàn để thi công, đảm bảo tiến độ đề ra”.
Việc phủ sóng điện thoại di động, internet tại khu Sinh Tàn sẽ giúp đồng bào dân tộc nơi đây nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, thu hẹp khoảng cách chất lượng cuộc sống giữa các vùng miền. Đặc biệt, các em học sinh có điều kiện sống, học tập tốt hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”.