BVR&MT – Bảo tồn hổ và chính trị dường như là hai phạm trù khác nhau, nhưng sự thật không phải như vậy. Trên thực tế, chính trị là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác bảo tồn hổ trở nên phức tạp như hiện nay.
Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ hai về bảo tồn hổ dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 5/9/2022 tại Vladivostok, Nga. Trước đó, hội nghị lần thứ nhất diễn ra tại Saint Petersburg, Nga, năm 2010 bị đánh giá là một nỗ lực vô vọng do sự yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện. Hội nghị lần này là một yêu cầu cần thiết. Các bên liên quan đến tuyên bố đều đã “học được” được từ những sai lầm trong suốt 12 năm qua. Liệu chúng ta có còn được phép mắc sai lầm sau khi 3/13 quốc gia có hổ sinh sống (TRC) thực hiện chương trình đã hoàn toàn không còn hổ?
Hội nghị về Bảo tồn hổ Saint Petersburg năm 2010
Năm 2010, người đứng đầu chính phủ của 13 quốc gia có hổ sinh sống tuyên bố, họ sẽ là người canh giữ cho những con hổ cuối cùng còn sót lại trên thế giới. Họ nhận thức được tình hình thực tế rằng số lượng hổ đang giảm mạnh, môi trường sống bị suy giảm, mối nguy từ tội phạm động vật hoang dã cũng như xung đột gia tăng giữa con người và loài hổ. Họ cũng biết rằng hổ là “chỉ số” quan trọng cho một hệ sinh thái lành mạnh và việc mất đi hổ sẽ dẫn đến tình trạng mất đi sự đa dạng sinh học trên toàn bộ khu vực Châu Á cùng với những lợi ích mà loài săn mồi này và hệ sinh thái của chúng mang lại. Các quốc gia đã nhắc lại và tán thành những tuyên ngôn, khuyến nghị và kế hoạch hành động trước đây để ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã và bảo tồn hổ.
Họ cũng hoan nghênh việc thông qua Chương trình Quốc gia về Phục hồi Hổ (GTRP). 13 quốc gia đã nhận thức và đánh giá cao sự hỗ trợ của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ khác. “Bởi vì đó là nghĩa vụ của chúng tôi đối với các thế hệ tương lai, và bởi vì chúng tôi phải hành động ngay bây giờ, chúng tôi tuyên bố: Phấn đấu tăng gấp đôi số lượng hổ hoang dã trong phạm vi sinh sống của chúng vào năm 2022,” các quốc gia đã cùng tuyên bố và thực hiện thông qua 11 điểm hành động.
Thế nhưng trên thực tế, tất cả đều khá xa vời.
Cần cẩn trọng
Các chính phủ phải gánh vác nhiệm vụ và trách nhiệm rất lớn, trong khi nguồn ngân sách của họ không phải là vô hạn. Và không phải tất cả các chính phủ đều có lợi ích như nhau, ngân sách ngang nhau hay hệ thống chính trị giống nhau. Như cách nói của ngoại giao, hành động của họ không thể đoán trước được và đôi khi rất khó để họ có thể tiếp xúc với nhau ở cương vị ngang bằng.
Xét theo thực tế này thì tuyên bố ở Saint Petersburg là hợp lý. Tuyên bố không đề cập đến các chủ đề nhạy cảm, chẳng hạn như các trang trại hổ, tham nhũng hoặc ngành công nghiệp nào chịu trách nhiệm cho sự tàn phá môi trường sống của loài hổ, huống hồ là việc yêu cầu các ngành này phải có trách nhiệm phục hồi môi trường sống mà họ đã phá hủy. Một khi các vấn đề trên được nhắc đến, có thể Indonesia, Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Trung Quốc sẽ không bao giờ ký vào tuyên bố; thậm chí là sẽ không tham dự hội nghị này.
Nhiều tổ chức phi chính phủ thông qua tuyên bố chỉ vì lo ngại rằng việc phản đối một số chính phủ có thể dẫn đến hậu quả nặng nề cho cán bộ, tình nguyện viên và sự hiện diện của họ ở các quốc gia đó. Do vậy, cũng không có gì ngạc nhiên khi các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên phạm vi quốc tế vẫn bị ảnh hưởng bởi chính trị. Để đạt được mục đích của mình, họ cần phải cẩn trọng.
Có thể đạt được tầm nhìn chung hay không?
Một trong những chỉ trích mạnh mẽ nhất trong giới bảo tồn hổ đó là các tổ chức phi chính phủ đã không hợp tác theo cách mà họ nên làm để đạt được kết quả mong muốn. Lý do rất rõ ràng là: Các tổ chức bị định hướng bởi chính trị không được phép để xảy ra tình huống hoặc sai sót nào có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với các chính phủ. Vì vậy họ cần làm việc một cách thận trọng. Khi hợp tác với nhau, họ thường có xung đột về ý kiến. Kết quả là viễn cảnh hợp tác bảo tồn hổ đã bị chia rẽ và tan vỡ.
Gần đây IUCN, FFI, WCS, WWF, TRAFFIC và Panthera đã đưa ra ‘tầm nhìn chung’ của họ về tương lai của loài hổ, trong đó mong đợi các tổ chức phi chính phủ khác sẽ đồng tình và làm theo. Tuy nhiên, các bên liên quan khác trong giới bảo tồn hổ không chia sẻ tầm nhìn này. Chính phủ các quốc gia còn lại, các cộng đồng bản địa hiện đang sống gần hoặc ngay trong môi trường sống của hổ, các nhà tài trợ, các phương tiện truyền thông và các tổ chức phi chính phủ từ 10 quốc gia có hổ còn lại như Phoenix Fund, Freeland, Born Free, Harimau Kita, MYCAT, WTI, WPSI, Nepal Tiger Trust, Corbett Foundation… đều không hướng theo “tầm nhìn chung” này.
Tại sao vấn đề này lại quan trọng đến vậy? Tầm nhìn là nền tảng cho các kế hoạch chiến lược, và các kế hoạch chiến lược lại là cơ sở để thực hiện các hoạt động tiếp theo. Điều quan trọng đối với các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động ở cấp cơ sở đó là phải trở thành một phần của “tầm nhìn chung”. Họ không thể đồng ý một cách mù quáng để làm những gì các “ông lớn” quyết định. Chúng tôi thấy rằng trong 12 năm qua: các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, truyền thông và các bên liên quan khác đi theo những con đường riêng và hầu như không sẵn sàng hợp tác. Họ bắt đầu tranh giành sự chú ý từ công chúng, nguồn tài trợ và tình nguyện viên.
Chấp nhận những gì đã xảy ra
‘Tầm nhìn chung” của IUCN, FFI, WCS, WWF, TRAFFIC và Panthera là bước đầu tiên để họ giành được một vị trí nổi bật trên bàn đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh về bảo tồn hổ sắp tới, trong đó sẽ quyết định 12 năm bảo tồn hổ tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng như Einstein đã nói: nếu bạn làm những gì bạn vẫn luôn làm, bạn sẽ nhận được những gì bạn vẫn luôn có.
Những gì đang xảy ra bây giờ cũng chính là những gì đã xảy ra 12 năm trước tại Saint Petersburg, khi WWF và Ngân hàng Thế giới chính là những người khởi xướng. Và kết quả vẫn sẽ như cũ: trong 12 năm qua, Campuchia, Lào và Việt Nam đã mất hoàn toàn hổ trong tự nhiên; Malaysia, Myanmar và Bangladesh đã mất hơn 60% quần thể hổ của họ; số lượng hổ bị giết ở Ấn Độ vào năm 2021 cũng ở mức cao kỷ lục (bất chấp sự tăng trưởng đáng chú ý về tổng số lượng hổ), cũng như sự gia tăng xung đột giữa con người và loài mèo lớn này.
Chúng ta cần học hỏi từ những sai lầm của mình để tiếp tục tiến về phía trước. Các bên liên quan cần phải nhìn nhận lại bản thân. Nhưng liệu các chính phủ và tổ chức phi chính phủ có thể làm được điều này hay không?
Cần phải làm gì?
Chúng ta cần xác định và nghiên cứu những sai lầm của tất cả các bên liên quan.
Một tổ chức tư vấn độc lập, không thiên vị sẽ có thể giúp phân tích các lỗi sai chúng ta mắc phải. Một tổ chức như vậy có thể xem xét một cách khách quan tất cả các mục tiêu, kế hoạch và hành động của các bên liên quan trong việc bảo tồn hổ trong 12 năm qua. Họ cũng có thể giúp xây dựng một tầm nhìn chung đúng nghĩa về tương lai của loài hổ. Họ thậm chí có thể giúp vạch ra kế hoạch chiến lược trước khi lập nên các kế hoạch hoạt động khác.
Vấn đề tiếp theo cần thảo luận là khung thời gian. Chúng ta vẫn chưa rõ tại sao trong hội nghị thượng đỉnh năm 2010, “năm con hổ” theo cung hoàng đạo Trung Quốc lại được ủng hộ đến vậy. Nhưng 12 năm là một khoảng thời gian dài, để khi các bên nhận ra những gì họ đang làm đều không có hiệu quả, họ có thể thay đổi tầm nhìn, kế hoạch chiến lược và hoạt động của mình.
Cũng cần hiểu rằng nếu muốn thay đổi hành động của mọi người – bằng cách khiến họ tham gia nhiều hơn vào công tác bảo tồn hổ hoặc ngăn cản họ săn trộm, sử dụng các sản phẩm từ hổ, đến thăm các trang trại nuôi nhốt hổ hoặc vườn thú – chúng ta cần một chương trình thay đổi quốc tế được thực hiện bởi các chuyên gia. Chúng ta nên tập trung vào các động lực, khả năng và cơ hội để thay đổi. Và chìa khóa ở đây là việc tác động đến hành vi của đại chúng.
Cuối cùng, việc phối hợp hoạt động cứu hộ hổ trên toàn cầu theo khung thời gian trong cung hoàng đạo Trung Quốc là vô nghĩa đối với các quốc gia khác vốn khác biệt về văn hóa. Thậm chí, nếu xem xét những gì Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng đã làm đối với loài hổ, điều này còn gây khó chịu hơn cho nhiều người.
Trò chơi chính trị hay nỗ lực giải cứu hổ?
Hiện các quốc gia đang xây dựng kế hoạch bảo tồn hổ trong tương lai để gây ấn tượng với các bên tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này, bởi lẽ một số quốc gia đã rất xấu hổ khi phải thừa nhận họ đã thất bại. Một số tổ chức phi chính phủ cũng đang vạch ra các kế hoạch bảo tồn hổ hiệu quả hơn. Những kế hoạch này sẽ được phân tích và cải thiện trước khi hội nghị bắt đầu, để hội nghị thượng đỉnh có thể trở thành nơi đưa ra một “chương trình phục hồi hổ toàn cầu” mới và kéo dài thêm 12 năm. Đây là tập quán chính trị cho một hội nghị có nhiều bên tham gia.
Nhưng nếu điều này thực sự xảy ra, chúng ta có thể nói lời tạm biệt với những con hổ còn lại ở Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Bangladesh và Indonesia (Sumatra), bởi vì một “bí mật” mà ai cũng biết đó là, những quốc gia này dường như không có ý chí chính trị để giải cứu hổ hoặc mở rộng phạm vi hoạt động của loài hổ. Công bằng mà nói, họ cũng sẽ phải trải qua tình trạng như Campuchia, Lào và Việt Nam – những quốc gia đã không còn ghi nhận loài hổ trong tự nhiên.
Công tác bảo tồn hổ cần có những thay đổi triệt để. Tất cả các bên liên quan cần phải làm việc với nhau dựa theo một tầm nhìn chung, kế hoạch chiến lược và thực hiện hoạt động chung. Và việc hợp tác phải bao gồm không chỉ các chính phủ và tổ chức phi chính phủ mà còn cả người dân bản địa, giới truyền thông và các nhà tài trợ.
Nguồn vốn cũng cần được quản lý chặt chẽ. Các quốc gia đã lãng phí quá nhiều năng lực bảo tồn, dồn trọng tâm hoạt động và sức lực vào việc gây quỹ và chi tiền, chỉ để có thể cạnh tranh với những bên khác. Vì công tác bảo tồn hổ hiện nay đang cần nhiều nguồn tài trợ hơn, đã đến lúc các ngành công nghiệp phá hủy môi trường sống của hổ như các công ty dầu cọ, công ty khai thác mỏ, công ty xây dựng (đường xá, đập thủy điện) và những ngân hàng đã tài trợ cho các ngành công nghiệp này đứng lên chịu trách nhiệm và đền bù cho những gì họ đã gây ra. Nhóm thứ hai phải chịu trách nhiệm là các công ty kiếm lời từ việc sử dụng hổ trong quảng cáo và xây dựng thương hiệu (như Gucci). Những công ty này cũng cần chi ra một nguồn tài trợ cố định.
Minh bạch cũng là điều cần thiết. Nếu Malaysia hoặc Indonesia không đạt được kết quả như mong đợi vì cho rằng công nghiệp dầu cọ quan trọng hơn, thì thế giới cũng cần được biết để có thể hành động và giúp các nước đó đạt được kết quả. Nếu nạn tham nhũng ở Ấn Độ cản trở công tác bảo tồn hổ, các nhà báo điều tra phải phơi bày những gì đang diễn ra. Nếu Thái Lan, Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ không nghiêm túc ngăn chặn việc người dân tiêu thụ các sản phẩm từ hổ để thỏa mãn cái tôi của mình, thì các chính trị gia và người dân cũng cần phải hành động. Điều tương tự cũng cần được áp dụng với Trung Quốc, Lào và Việt Nam nếu họ liên tục từ chối chấm dứt hoạt động nuôi nhốt hổ, từ đó thúc đẩy nhu cầu săn bắt hổ trong tự nhiên. Đây là lý do tại sao phương tiện truyền thông (và mạng xã hội) cần tham gia vào công cuộc bảo tồn, cũng như phải đổi mới cách hành động so với trước đây.
Trên hết, chúng tôi cần sự lãnh đạo, nhưng không phải từ các quốc gia hoặc một tổ chức phi chính phủ bởi vì các bên liên quan khác sẽ không đồng ý. Thay vào đó, sự lãnh đạo nến đến từ một tổ chức mới được chọn – hoặc được lập ra. Một tổ chức có đầy đủ quyền hạn (ủy quyền từ các quốc gia), kiến thức, năng lực, tham vọng, sự độc lập, mạng lưới sâu rộng và khả năng tài chính để có thể dẫn dắt công cuộc bảo tồn hổ, vì tương lai của loài hổ trên Trái đất.
Điều này sẽ xảy ra, nhưng chỉ khi các bên liên quan tham dự hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 9 thực sự muốn cứu lấy loài hổ thay vì tiếp tục trò chơi chính trị.