BVR&MT – Trong khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, các loài động vật hoang dã bò, bay, nhảy và lang thang kiếm mồi khắp mọi nơi. Vậy nhưng, chúng đều rất giỏi trong việc lẩn tránh con người, vì vậy rất khó thu thập được hình ảnh của những con vật đó. Để làm được điều này, nhiều chuyên gia nghiên cứu sử dụng bẫy ảnh cảm biến chuyển động, thường là các camera ngụy trang đặt ở những vị trí được tính toán kỹ lưỡng trong khu rừng.
Những thập kỷ vừa qua, thông qua bẫy ảnh, các nhà khoa học đã thu thập được hình ảnh các loài động vật trên khắp cánh rừng Amazon. Tuy nhiên, những dữ liệu ảnh này bị phân tán rải rác ở nhiều nơi, mãi đến khi một nhóm các nhà nghiên cứu đã tổng hợp hơn 154.000 bản ghi của các camera, ghi lại hình ảnh của 317 loài, trong đó có 185 loài chim, 119 loài động vật có vú và 13 loài bò sát.
Công trình nghiên cứu này do Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng Sinh học Tích hợp của Đức (iDiv) và Đại học Friedrich Schiller Jena chỉ đạo thực hiện và vừa được xuất bản trên Tạp chí Ecology.
Nghiên cứu này đã tổng hợp ghi chép của 147 nhà khoa học đại diện cho 122 cơ quan nghiên cứu ở nhiều quốc gia khác nhau.
Đây là nghiên cứu đầu tiên tổng hợp và chuẩn hóa hình ảnh thu thập qua bẫy ảnh ở quy mô bao trùm khắp Amazon, trong đó có Brazil, Bolivia, Colombia, Ecuador, Guiana – Pháp, Peru, Suriname và Venezuela.
“Bộ dữ liệu cung cấp thông tin cơ bản về sự hiện diện và độ phong phú của các loài trong cánh rừng này và có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề chung của rừng nhiệt đới Amazon”. – Bà Ana Carolina Antunes, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ.
Đồng tác giả nghiên cứu, ông Robert Wallace, Giám đốc Chương trình bảo tồn cảnh quan Greater Madidi-Tambopata thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS) khẳng định, hàng nghìn bức ảnh “sẽ là nguồn dữ liệu quan trọng để xác định vị trí các loài động vật hoang dã và cho thấy sự đa dạng đáng kinh ngạc của các loài động vật sông trong khu vực rừng Amazon.”
WCS đđóng góp hơn 1/3 số hình ảnh, gồm hình ảnh những con báo đốm đang chơi đùa, một con thú ăn kiến khổng lồ đang tắm bùn, những con chó tai ngắn, lợn vòi, đại bàng mào, chim Toucan, báo sư tử và gấu Andes.
Nhóm tác giả cho rằng bộ dữ liệu bẫy ảnh này mở ra cơ hội cho các nghiên cứu mới trên quy mô thời gian và không gian rộng hơn, cho phép các nhà khoa học có thêm thông tin về tình trạng phân mảnh rừng, mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và cái chết của các con vật do con người gây ra, “ở một trong những môi trường nhiệt đới quan trọng và đang bị đe dọa nhất trên thế giới. ”
Bà Antunes nhấn mạnh: “Bộ giữ liệu không chỉ giúp chúng ta hiểu được mô hình phân bố của các loài trong môi trường sống của chúng, sự tương tác giữa các loài săn mồi và con mồi, mà còn đưa ra các dự báo trong tương lai về tác động của biến đổi khí hậu và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các loài này. Vẫn còn rất nhiều thứ cần phải tìm hiểu. Đồng thời, vẫn đang tồn tại những mối đe dọa ngày càng tăng đối với đa dạng sinh học và người dân sinh sống trong khu rừng.”
Theo Global Forest Watch, hơn 3,7 triệu ha rừng nhiệt đới nguyên sinh trên toàn cầu đã biến mất trong năm 2021 và 40% trong số đó thuộc Brazil. Diện tích rừng của Brazil chiếm tới 2/3 diện tích rừng Amazon và 1/3 tổng diện tích rừng mưa nhiệt đới trên toàn cầu. Điều này khiến việc bảo vệ những cánh rừng nhiệt đới Amazon, và rừng của Brazil, trở thành một phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ sự đa dạng của sự sống trên Trái đất.