BVR&MT – Rùa chân đỏ ở vùng Gran Chaco (Argentina) hiếm thấy đến mức chúng bị cho là đã tuyệt chủng cục bộ. Thế nhưng giờ đây, loài này đang chuẩn bị xuất hiện trở lại.
Ngày 19/5 vừa qua, các nhà bảo tồn đã hợp tác với nhóm hoạt động môi trường Rewilding Argentina và các tổ chức đối tác, “phóng thích” 10 cá thể rùa chân đỏ vào Vườn quốc gia El Impenetrable ở Chaco, Argentina. Nhóm dự định sẽ thả thêm 30 con rùa nữa trong tháng tới.
Kể từ khi được thành lập năm 2014, Vườn quốc gia El Impenetrable đã trở thành tâm điểm của một số dự án tái thả động vật hoang dã như các loài báo đốm và hươu đầm lầy Nam Mỹ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên đối tượng tái thả của Rewilding Argentina là một loài bò sát.
Nhà bảo tồn Sebastián Di Martino, Giám đốc Rewilding Argentina chia sẻ: “Đưa loài rùa này trở lại Argentina là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Chúng tôi hi vọng rằng những con rùa được thả ra sẽ bắt đầu thực hiện vai trò sinh thái của chúng, với tư cách là một loài phát tán hạt và điều này rất tốt cho khu rừng. Tất nhiên, [chúng tôi cũng hy vọng] rằng chúng sẽ trở thành một phần của môi trường sống mới mà chúng tôi đang cố gắng xây dựng ở khu vực này.”
Những chú rùa chân đỏ không chỉ phải đối mặt với nạn buôn bán vật nuôi bất hợp pháp đang nóng lên ở Paraguay và Bolivia mà còn bị đe dọa bởi tình trạng mất môi trường sống và nạn săn bắt để giết thịt.
40 chú rùa chân đỏ trong hoạt động tái thả lần này đều được giải cứu khỏi nạn buôn bán vật nuôi bất hợp pháp ở Paraguay, sau đó được cách ly kiểm dịch ở Argentina trước khi được thả vào vườn quốc gia El Impenetrable.
“Trong quá trình cách ly, chúng tôi đã cho những chú rùa ăn thử những loại trái cây có trong Vườn quốc gia El Impenetrable để xem chúng thích loại nào hơn, và cũng để xem liệu chúng có chấp nhận những loại trái cây đó hay không. Và thực tế, chúng ăn gần như tất cả mọi thứ. Chúng thậm chí còn thích ăn cả thịt.”- Ông Martino nói.
Ông Di Martino chia sẻ thêm, sau khi tái thả, những chú rùa được theo dõi bằng bộ thu phát VHF gắn trên mai. Tính đến thời điểm hiện tại, mỗi ngày chúng đi khoảng 150 mét vào sâu trong Vườn quốc gia. Tin tức tốt là hiện đã có hai con cái đẻ trứng. Mặc dù không biết liệu những quả trứng có nở hay không, nhưng nhóm nghiên cứu vẫn sẽ theo dõi chặt chẽ những chú rùa này.
Ông Di Martino tin rằng những chú rùa chân đỏ này sẽ an toàn thoát khỏi nạn buôn lậu nhờ được sống trong công viên quốc gia được bảo về và nhờ những hoạt động cộng đồng mà Rewilding Argentina đang thực hiện. Chẳng hạn như, gần đây nhóm đã tổ chức một buổi biểu diễn múa rối dành cho trẻ em về rùa và các loài động vật khác được tái thả vào vườn quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng về mặt sinh thái và kinh tế trong khu vực của các loài động vật hoang dã.
“Người dân đang dần chào đón tất cả những con vật này vì sự xuất hiện của chúng đang góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế địa phương,” – Ông Di Martino nói.
Theo Rewilding Argentina, nếu thích ứng thành công, những chú rùa được thả sẽ giúp phát tán hạt giống cây thông qua số lượng lớn quả mà chúng ăn, từ đó giúp tái tạo rừng. Trên thực tế, loài này được gọi là “những người làm vườn của khu rừng.”
Nhà bảo tồn người Mỹ Kristine Tompkins, người bảo trợ các Khu bảo tồn của Liên hợp quốc, chủ tịch và đồng sáng lập của Tổ chức Bảo tồn Tompkins – đối tác của Rewilding Argentina nhận định: “Để tiến tới Thập kỷ Liên Hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái, chúng ta cần phải hành động ngay để cứu các loài động vật. Những loài động vật này có tồn tại thì các hệ sinh thái mới có thể khôi phục hoàn chỉnh và đảm bảo sức khỏe cho tất cả các loài trên hành tinh.”