BVR&MT – Bác sĩ thú y Charlene Fernandez của Trung tâm Pháp y Động vật hoang dã Singapore cho biết: “Ban đầu, tất cả chúng tôi đều rất phấn khích vì ngăn chặn thành công lô hàng ngà voi có khối lượng kỷ lục. Nhưng khi bắt đầu mang từng chiếc ngà vào căn phòng này để xử lý, mọi người đột nhiên trở nên im lặng. Nhiều nhà nghiên cứu lần lượt rời khỏi phòng vì họ không thể chịu được hình ảnh một nghĩa địa voi hiện ra ngay trước mặt họ”.
Sau một thập kỷ làm việc trong lĩnh vực bệnh lý thú y, đây là lần đầu tiên cựu sinh viên đại học Cornell thấy một thứ gây phiền lòng đến thế.
Tháng 7/2019, chính quyền Singapore đã tịch thu 8,8 tấn ngà voi đang trên đường vận chuyển từ Cộng hòa Dân chủ Congo đến Việt Nam. Sau khi Trung tâm Pháp y Động vật hoang dã bắt đầu hoạt động vào tháng 8/2021, Fernandez và đội ngũ của mình đảm nhiệm công việc phân tích ngà voi thu được trong vụ án này. Tuy nhiên, thời điểm đó, các nhà khoa học không nhận ra công việc của mình sẽ góp phần tạo nên một nghiên cứu đột phá, họ sử dụng cùng một phương pháp khoa học pháp y từng được áp dụng để bắt giữ tên sát nhân Golden State. Sát thủ Golden State là kẻ giết người, kẻ hiếp dâm hàng loạt người Mỹ, đã bị bắt vào năm 2018 và bị kết án vào năm 2020. Tên sát nhân bị bắt nhờ công nghệ điều tra cây gia phả. Nhưng thay vì dùng công nghệ này để bắt những kẻ giết người hàng loạt, kết quả phân tích DNA của Trung tâm Pháp y Động vật hoang dã Singapore được sử dụng để bắt những kẻ săn trộm.
Cảng Singapore nằm trong con đường vận chuyển của 1/3 số container trên thế giới. Do đó, các nỗ lực chống săn bắt trộm của Singapore cũng là chìa khóa cho cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã trên phạm vi toàn cầu.
Sau khi lấy mẫu để nghiên cứu, chính phủ Singapore đã tiêu hủy lô ngà voi nặng 8,8 tấn trên một chương trình truyền hình trực tiếp, để cho những kẻ săn trộm thấy chúng không thể làm ăn được nữa. Nhưng họ biết rằng họ cần phải làm nhiều hơn thế.
Anna Wong, giám đốc về buôn bán động vật hoang dã tại Ủy ban Công viên Quốc gia (NParks) do chính phủ điều hành, cho biết: “Ngoài việc bắt giữ, nghiền nát và tiêu hủy, chúng ta cần làm gì đó để đóng góp cho cộng đồng quốc tế. Đó là lý do tại sao Trung tâm Pháp y Động vật hoang dã được thành lập để thu thập các dữ liệu quan trọng. Những dữ liệu này có thể được phổ biến đến các quốc gia khác, để họ cũng có thể thực hiện vai trò của mình.”
Trung tâm này đặt mục tiêu trở thành phòng thí nghiệm pháp y đầu tiên ở châu Á được CITES – công ước toàn cầu về buôn bán động vật hoang dã – thông qua.
Điều tra pháp y chống buôn bán ĐVHD
Nằm ở vùng nông nghiệp phía bắc Singapore, phòng thí nghiệm hiện đại có vẻ tương phản hoàn toàn với khung cảnh rậm lá xung quanh. Các nhà nghiên cứu trong bộ quần áo bảo hộ PPE đang điều khiển cái gì đó trông giống như một khoang tàu với những cửa kính trượt ngay ở lối vào của các phòng thí nghiệm cá nhân.
Tại đây, họ phân tích hệ động thực vật được tìm thấy trong các lô hàng bị bắt giữ. Nhóm nghiên cứu được hỗ trợ bởi đơn vị K9 – đội tuần tra biên giới của Singapore và đã được đào tạo để dò tìm ngà voi và tê tê trong các chuyến hàng. Nhóm cũng được tiếp cận danh mục các loài gỗ tại Vườn bách thảo Singapore. Các mẫu vật gỗ có trong danh mục này (được gọi là xylarium), có thể được đối chiếu với các mẫu đã bị tịch thu nhằm xác định loại gỗ bị chặt và ngăn chặn việc khai thác gỗ bất hợp pháp.
Mỗi mẫu thực vật hoặc động vật được đưa đến trung tâm đều được xử lý theo một quy trình thống nhất. Đầu tiên, các nhà khoa học sử dụng Nitơ lỏng để làm cho mẫu vật giòn hơn, tiếp theo sử dụng máy đầm từ tính để nghiền mẫu thành dạng bột. Sau đó, chất bột sẽ đi dọc hành lang vách trắng của các phòng thí nghiệm. Một cỗ máy robot hóa – QIA Symphony – sẽ chiết xuất DNA từ lượng bột trên – nó có thể xử lý 90 mẫu trong vòng 80 phút. Cuối cùng, DNA sẽ được nhân lên trong phòng khuếch đại để hỗ trợ cho việc điều tra.
Nếu mẫu vật là ngà voi, các nhà nghiên cứu sau đó sẽ kiểm tra DNA, tham khảo bản đồ gen để xác định loài voi và nguồn gốc của nó.
Chưa đầy một năm tuổi nhưng Trung tâm không ngừng có những phát hiện mới. Các nhà nghiên cứu không chỉ phát hiện ra rằng họ có thể chiết xuất DNA từ các mẫu chỉ có trọng lượng 2 gram) mà còn có thể thu thập DNA từ các đồ chế tác đã hư hỏng.
Việc nghiên cứu các mẫu ngà voi và vảy tê tê bị tịch thu chiếm phần lớn khối lượng công việc của Trung tâm. Tuy vậy, họ cũng đang tiếp nhận nghiên cứu thêm sừng tê giác, vây cá mập và hải sâm.
Nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm các thiết bị chuyên dụng hơn để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Bởi vì họ cho rằng có được kết quả nghiên cứu càng sớm, họ sẽ càng nhanh chóng giúp ngăn chặn các vụ buôn bán ĐVHD trái phép.
Anna Wong nói: “Trước đây, khi chúng tôi tịch thu được số lượng ít, chúng tôi sẽ phải gửi mẫu đi để xét nghiệm và xác thực thì mới có thể sử dụng chúng như chứng cứ trước tòa. Quá trình này mất hai đến ba tháng để thực hiện. Giờ đây, chúng tôi có thể làm được tất cả chỉ trong vòng vài ngày.”
Kể từ khi Trung tâm Pháp y về Động vật hoang dã chính thức đi vào hoạt động vào tháng 8/2021, 14 người đã bị bắt giữ nhờ bằng chứng do phòng thí nghiệm thu thập được. Các vụ bắt giữ này đều xảy ra ở Trung Quốc, bắt nguồn từ các vụ tịch thu vảy tê tê và ngà voi vào năm 2019.
Nhờ sự hợp tác của phòng thí nghiệm với nhà sinh học bảo tồn Hoa Kỳ Samuel Wasse, nhiều nghi phạm buôn lậu nữa có thể sẽ sớm bị bắt. Là một giáo sư tại Đại học Washington, người được The New York Times gọi là “Sherlock Holmes trong điều tra buôn bán động vật hoang dã” – Wasser, đã nghiên cứu về voi trong hơn 20 năm. Trong phòng thí nghiệm của mình ở Seattle, ông thực hiện phân tích pháp y bằng cách sử dụng DNA để xác định nguồn gốc số ngà voi bị tịch thu. Ông đã tạo ra bản đồ tham chiếu gen của voi để phòng thí nghiệm Singapore sử dụng, nhờ đó có thể lấy mẫu ngà voi từ bất kỳ đâu ở châu Phi và định vị nó trong phạm vi 290km từ nơi sinh sống của nó.
Truy tìm mắt xích các tổ chức tội phạm
Wasser bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc phân tích lô ngà voi bị bắt ở Singapore hồi năm 2002. Và chính tại đây, ông đã tạo ra một trong những bước đột phá lớn nhất của mình. Khi nghiên cứu các lô hàng bị tịch thu vào năm 2015, ông nhận ra rằng rất nhiều ngà voi không có cặp, vì vậy ông và đồng nghiệp của mình đã tìm kiếm những chiếc ngà còn lại trong các vụ bắt giữ khác ở Hồng Kông, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Và họ đã tìm ra các mối liên kết giữa các chuyến hàng. Công nghệ này cũng giúp phát hiện một điểm nóng buôn lậu mới ở Khu bảo tồn xuyên biên giới Kavango-Zambezi (KAZA TFCA), trải rộng khắp các khu vực biên giới giữa các quốc gia Nam Phi như Angola, Botswana, Namibia, Zambia và Zimbabwe. KAZA TFCA là nơi sinh sống của 230.000 trong số 415.000 cá thể voi còn lại ở châu Phi. Nhưng việc thu thập cả đôi ngà voi vẫn khá khó khăn, vì Wasser sẽ phải được sự cho phép của mỗi một quốc gia mới có thể tiếp cận các lô hàng. Hơn thế nữa, việc nghiên cứu mỗi vụ tịch thu có thể tiêu tốn lên đến 50.000 đô la.
Sau đó, Wasser có một bước đột phá khác.
Tháng 3/2022, Wasser công bố một nghiên cứu trên Tạp chí Nature Human Behavior, đồng tác giả với Wong và Fernandez, cho hay họ có thể sử dụng cùng một công cụ từng áp dụng trong vụ án sát thủ Golden State để truy bắt các tổ chức tội phạm buôn bán động vật hoang dã. Công cụ này được gọi là công cụ truy vết di truyền. Để bắt được sát thủ Golden State, giới chức Hoa Kỳ đã lấy DNA từ hiện trường vụ án và so sánh với cơ sở dữ liệu tội phạm để tìm ra hung thủ. Tương tự, Wasser so sánh DNA từ ngà voi bị tịch thu để tìm ra sự liên kết giữa các chuyến hàng.
“Con cái thường ở trong một nhóm gia đình suốt đời. Con đực thì thường rời đi, nhưng không đi quá xa. Vì thế chúng tôi mới có thể liên kết hàng chục chuyến hàng để tìm ra một mạng lưới buôn lậu động vật hoang dã,” Wasser giải thích. “Chúng tôi đã thành công tập hợp toàn bộ manh mối tìm ra một tổ chức tội phạm, giống như các mắt xích trong một chuỗi vậy.”
Các kết quả trên hiện đang được sử dụng để phục vụ các cuộc điều tra của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ.
Wasser nói: “Nếu bọn tội phạm sử dụng đồng tiền Mỹ, bạn có thể vào tài khoản ngân hàng của chúng, thu giữ tài sản của chúng, khiến chúng không hoạt động được nữa.”
Wasser và nhóm nghiên cứu Singapore hiện đang mở rộng nghiên cứu bằng cách tạo ra một bản đồ tham chiếu gen cho 8 loài tê tê, vì 25% số vụ vận chuyển tê tê quy mô lớn bị bắt giữ được triệt phá cùng với số lượng ngà voi lớn.
“Chúng tôi hiện đang nghiên cứu bằng cách nào mà kẻ buôn lậu gom được ngà voi, vảy tê tê,… trong khi hai loài này có “tiểu sử” khác nhau đáng kể. Nếu thành công, chúng tôi sẽ khám phá ra được rất nhiều thủ đoạn đang được các nhóm buôn lậu sử dụng để vận chuyển hàng cấm,” Wasser nói.
Scott Roberton, Giám đốc điều hành hoạt động Chống buôn bán động vật hoang dã thuộc Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã, cho rằng việc thành lập phòng thí nghiệm pháp y mới ở Singapore là vô cùng quan trọng. “Đưa nghiên cứu pháp y vào nỗ lực tăng cường truy tố tội phạm buôn bán động vật hoang dã là việc làm cần thiết. Một vấn đề quan trọng khác là phải chuyên nghiệp hóa cách thức đưa những vụ việc đó đến trước tòa án và hệ thống tư pháp.” – Ông nói.
Roberton, người có kinh nghiệm 22 năm lĩnh vực bảo tồn ở Đông Nam Á cho hay, đại dịch COVID-19 mối liên quan tới hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Điều này khiến công tác ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã trở nên cấp thiết hơn.
“Đây là thời điểm tốt nhất để các chính phủ, toàn xã hội, giới học thuật và truyền thông tập trung ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã. Có một mối liên hệ rõ ràng không thể tranh cãi giữa hoạt động buôn bán động vật hoang dã với nguy cơ xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người và nhiều mầm bệnh đang xuất hiện. Đã đến lúc hành động để giải quyết vấn đề này.” – Ông Roberton nói.