BVR&MT – Ngày 15/7, tại kỳ họp lần thứ 6, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) đã thông qua Nghị quyết về Quy định chuẩn nghèo đa chiều tỉnh giai đoạn 2022- 2025.
Trong đó, tăng mức chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn mức chuẩn Trung ương (khoảng 1,4 lần), từ 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn lên 2,1 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị từ 2 triệu đồng/người/tháng lên 2,6 triệu đồng/người/tháng.
Lý do đề xuất điều chỉnh ngưỡng đo lường mức thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản xuống còn 2 chỉ số theo nội dung đề xuất áp dụng cho Bình Dương là: Hộ nghèo được xác định khi có thu nhập bình quân đầu người dưới mức chuẩn quy định và thiếu hụt từ 2 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo được xác định khi có thu nhập bình quân đầu người dưới mức chuẩn quy định và thiếu hụt dưới 2 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Bình Dương là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kinh tế phát triển, tỷ lệ đô thị hóa cao (trên 80%). Do vậy, mức độ đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân cũng cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Việc lựa chọn phương án nâng mức chuẩn nghèo đa chiều, trong đó chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn của Trung ương và ngưỡng thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản từ 2 chỉ số trở lên là phù hợp, cần thiết.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, từ năm 1997 đến nay, tỉnh đã 9 lần xây dựng chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn của Trung ương. Cụ thể, giai đoạn từ 2009 – 2010 cao hơn 3 lần; giai đoạn 2011 – 2013 cao hơn 2 lần; giai đoạn 2014 – 2015 cao hơn 2,5 lần và giai đoạn 2016 – 2020 cao hơn 1,7 lần. Năm 2022, Bình Dương sẽ tiếp tục nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh về thu nhập cao hơn của Trung ương 1,4 lần. Dự kiến, nếu thực hiện phương án này, số hộ nghèo toàn tỉnh tăng lên khoảng 8.000 hộ, số hộ cận nghèo là 5.000 hộ. Trên cơ sở đó, ngân sách tỉnh chi 3 năm (2023 – 2025) là hơn 140 tỷ đồng, tăng thêm hơn 78 tỷ đồng so với thực hiện mức chuẩn nghèo Trung ương. Đề xuất này đã được thông qua tại kỳ họp vào ngày 15/7 của HĐND tỉnh khóa X.
Theo ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, việc liên tục nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn mức chuẩn chung của Trung ương thể hiện quan điểm nhất quán của tỉnh trong công tác giảm nghèo. Đồng thời, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách, dành nguồn lực tương xứng trong quá trình tăng trưởng, phát triển cho công tác giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tiếp tục tạo tiền đề cho sự ổn định kinh tế – chính trị, xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, góp phần củng cố những thành quả, tiếp thêm niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, tạo sự cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội.
Tổng nguồn lực đầu tư Chương trình giảm nghèo từ năm 2016 – 2021 toàn tỉnh là 1.590,808 tỷ đồng. Như vậy, sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo thông qua các chính sách đồng bộ trợ giúp về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm, bảo trợ xã hội… toàn tỉnh đã giảm được 4.958 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh, đảm bảo giảm tỷ lệ hộ nghèo theo mục tiêu đề ra. Người nghèo đã được cải thiện nhiều về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, được đáp ứng nhu cầu thiết yếu về dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Theo số liệu Cục Thống kê tỉnh Bình Dương công bố, cuối năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 2,62%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,3%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 61.200 tỷ đồng, tổng chi ngân sách địa phương 32.201 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 152,2 triệu đồng/năm, tăng 1,2 triệu đồng so với năm 2020.
Từ những lý do trên dẫn đến kết quả rà soát hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo đầu giai đoạn 2022 – 2025 của tỉnh rất thấp (0,64%). Điều đó cho thấy vẫn còn nhiều hộ dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn không được công nhận hộ nghèo, không có cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ dành cho người nghèo. Vì vậy đời sống của những hộ gia đình nói trên gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản về điều kiện sống.
Đặc biệt, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng phải gánh chịu sự tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội bởi đại dịch COVID-19, cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng sụt giảm, nhiều lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng, mức độ khôi phục chậm, tình trạng thất nghiệp tăng, khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn diện rộng, thu nhập của người dân thuộc nhóm yếu thế giảm mạnh. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, vừa đảm bảo tính kế thừa liên tục, xuyên suốt và hiệu quả chính sách đặc thù của địa phương cũng như kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn chưa được đưa vào hộ nghèo theo kết quả cuộc tổng điều tra, rà soát cuối năm 2021 việc xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách chuẩn nghèo đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 – 2025, trong đó, thực hiện nâng mức chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn mức chuẩn của Trung ương là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an sinh xã hội, giúp hộ có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng chính sách giảm nghèo, đồng thời giúp người nghèo “không bị bỏ lại phía sau”.