BVR&MT – Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang gặp nhiều khó khăn chủ yếu do tác động của xung đột Nga-Ukraine nhưng sự báo xuất khẩu lâm sản cả năm vẫn đạt xấp xỉ với mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Tại hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sáng 14/7, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang gặp nhiều khó khăn.
Xuất khẩu gặp khó chủ yếu do tác động của xung đột Nga-Ukraine, khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, chi phí tăng cao, cùng với tình hình lạm phát của các nước tăng cao khiến nhu cầu mua sắm giảm. Trước khó khăn trên, dự báo xuất khẩu lâm sản cả năm 2022 đạt khoảng 16,3 tỷ USD, xấp xỉ với mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chủ động họp bàn với các hiệp hội và các doanh nghiệp để một mặt vẫn chủ động đáp ứng các hợp đồng đã ký, mặt khác mở rộng ra các thị trường, ít bị biến động ảnh hưởng, để không phụ thuộc vào một thị trường nào đó. Ngành bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu lâm sản đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2022.
Đối với nguồn nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tăng cường việc sử dụng nguyên liệu trong nước, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động sản xuất các sản phẩm phụ trợ để giảm giá thành một cách thấp nhất và đa dạng hóa các sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ngành lâm nghiệp sẽ tập trung thực hiện, phối hợp các ngành chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời, nhân rộng mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
Góp phần nâng cao hình ảnh, nguồn gốc, chất lượng gỗ trong nước, ông Nguyễn Văn Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, cho biết cả nước hiện có 372.140 ha được cấp chứng chỉ rừng bền vững tại 31 địa phương; trong đó, cấp theo chứng chỉ FSC là 264.820 ha; cấp theo Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS) là 107.320 ha. Riêng từ đầu năm đến nay, có 46.000 ha dược cấp chứng chỉ rừng bền vững. Dự kiến năm 2022 sẽ có khoảng 90.000 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững được cấp mới.
Về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Thiện, số vụ vi phạm trong bảo vệ rừng đã phát hiện là 4.688 vụ, giảm 1,2% so với cùng kỳ, diện tích rừng bị thiệt hại là 610 ha, giảm 50% so với cùng kỳ; số vụ cháy rừng giảm 65% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh như một số tỉnh khu vực Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên…, khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất làm nương rẫy.
Ông Nguyễn Hữu Thiện cũng cho biết từ năm 2021, Cục Kiểm lâm đã thực hiện quy định về việc đảm bảo gỗ hợp pháp, phân loại doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là khối lượng công việc lớn đối đối với các đơn vị chức năng để đảm bảo sự minh bạch của Việt Nam cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản. Những nỗ lực này nhằm khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia và thực thi các cam kết quốc tế.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm nay đạt 9,1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 56% kế hoạch. Giá trị xuất siêu ước đạt 7,508 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ 2021. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc – chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Đáp ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đã khoảng 8,5 triệu m3, đạt 46% kế hoạch, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2021./.