BVR&MT – Hầu như năm nào người dân ở khu vực miền núi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cũng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai, mưa lũ gây ra. Để bảo đảm an cư để lạc nghiệp, các địa phương đang nỗ lực di dời các hộ dân ra khỏi vùng thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận về việc huy động, bố trí nguồn lực thực hiện chương trình sắp xếp, ổn định dân cư, thì tại một số nơi còn cào bằng, trông chờ đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, tiến độ sắp xếp, di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai tại nhiều địa phương còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ như kỳ vọng.
Ổn định đời sống
Nhà ông Vi Văn Hùng (59 tuổi) cùng các hộ dân ở bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An) trước đây ở ngay phía dưới đập thủy điện Nậm Nơn. Năm 2018, do ảnh hưởng của mưa lũ lịch sử và thủy điện xả lũ, nhà ông Hùng cùng 13 nhà dân khác trong bản đã bị lũ cuốn trôi, nhà cửa hư hỏng nặng buộc phải di dời khỏi nơi ở cũ… Cùng thời gian đó, huyện Tương Dương đã triển khai cấp bách khu tái định cư mới này ở K35+700 tỉnh lộ 543B để đưa 13 hộ dân về ở. Để có đủ diện tích cho các hộ dân có mặt bằng làm nhà, địa phương phải di dời hệ thống cột điện cao thế, gia cố sườn núi chắc chắn để chống sạt lở.
Để có chỗ an cư, gia đình ông Hùng dồn tiền dành dụm bấy lâu nay cùng tiền đền bù, hỗ trợ xây dựng được ngôi nhà hai tầng nằm ở ta-luy dương tỉnh lộ 543B. Ông Hùng khoe, từ khi đến nơi ở mới, 10 người, ba thế hệ trong gia đình ông không còn phải lo lắng mỗi khi mưa, bão về hay tiếng còi báo hiệu xả lũ của nhà máy thủy điện. Sau khi ổn định nơi ở mới, ông Hùng tổ chức chăn nuôi bò và nay cuộc sống gia đình khá ổn định. Gần đó, ông Vi Xuân Hải (57 tuổi) là hàng xóm với ông Hùng cũng có ngôi nhà xây, mái đỏ khá đẹp. Giờ đây, ngoài chăn nuôi và làm nông nghiệp, con ông Hải còn mở thêm tiệm cắt tóc để có thêm thu nhập…
Chủ tịch UBND xã Xá Lượng, Lô Thị Trà My cho biết, đợt thủy điện xả lũ năm 2018, toàn xã có 21 căn nhà của các hộ dân ở các bản: Xiêng Hương, Cửa Rào 1 và Cửa Rào 2 bị cuốn trôi hay hư hỏng buộc di dời. Đến nay, nhờ sự giúp đỡ của tỉnh, huyện triển khai khu tái định cư, nên địa phương đã bố trí được 15 hộ dân đến nơi ở mới, làm nhà và ổn định cuộc sống. Hiện còn sáu hộ dân khác cũng đã nhận mặt bằng, chọn ngày để làm nhà…
Khác với vẻ bất an mỗi khi mùa mưa lũ đến của những năm về trước, sau khi di dời đến nơi ở mới, cuộc sống của 524 hộ vùng thiên tai ở khu vực rẻo cao Mường Lát (Thanh Hóa) đã dần đi vào ổn định nhờ chính sách sắp xếp, di dời dân cư ra khỏi khu vực thường xuyên ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.
Trưởng bản Nà Ón, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Giàng A Nu trao đổi: Thiệt hại, ảnh hưởng bởi sạt, lở đất, cuối năm 2019 dân bản được hỗ trợ di chuyển, xây dựng nhà ở tại khu tái định cư bên cầu Chiềng Nưa. Hiện 56 hộ dân có cuộc sống ổn định, an toàn, người dân vẫn canh tác ruộng nước tại bản cũ. Dịp này, gần 14 km/17km đường về bản Ón, xã Tam Chung đã thảm bê-tông, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân địa phương.
Tại khu vực tái định cư mới ở cụm bản Ón 2, nhà thầu đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến cuối tháng 7 này sẽ bàn giao hạ tầng để 42 hộ dân về đây nhận đất, xây, dựng nhà ở. Theo ông Giàng A Khoa, ở bản Ón: Đợt mưa lũ cách đây mấy năm, trong bản từng có bà Giàng Thị Cợ phải cưa cụt một chân do sạt, lở đất, đá xô đổ nhà ở, đè dập chân, mắc kẹt trong nhà. Bản Ón có gần 120 hộ dân sinh sống phân tán ở ba cụm dân cư, trong đó nhiều hộ cư trú ở khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét nên các hộ dân đều hào hứng, sẵn sàng di chuyển đến khu tái định cư để sớm được an cư, lập nghiệp.
Ưu tiên nguồn lực, linh hoạt ứng phó thiên tai
Theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Nguyễn Hữu Minh, trên địa bàn hiện có chín điểm sạt lở, ngập lụt cần di dời khẩn cấp, nhưng trong năm 2022 này chỉ triển khai được bốn điểm tái định cư; còn năm điểm đang chờ nguồn vốn Trung ương và địa phương phân bổ. Nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra, trước mắt trong mùa mưa bão tới, địa phương tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở hay ngập lụt; tổ chức canh gác hằng ngày để nắm chắc tình hình sạt lở, ngập lụt, kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh có chín dự án di dời khẩn cấp đang còn thi công dang dở, tập trung ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Thanh Chương, Con Cuông, Quỳ Hợp,… Nguyên nhân là do việc bố trí vốn cho các dự án chậm, dàn trải, mang tính nhỏ giọt và chủ yếu là nguồn vốn Trung ương, còn nguồn ngân sách địa phương đối ứng còn rất hạn chế. Vì thế, nhiều hộ dân ở vùng sạt lở núi vẫn chưa được di dời đến nơi an toàn, hằng ngày đối mặt với hiểm nguy rình rập…
Tại tỉnh Thanh Hóa, trong vòng bốn năm qua, người dân các huyện Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát… liên tục phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do lũ quét, sạt lở đất gây ra. Được sự quan tâm của Trung ương, chủ động bố trí thêm ngân sách tỉnh, Thanh Hóa đã di dời nhiều hộ dân sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực từng xảy ra, nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến các điểm tái định cư theo quy hoạch, bố trí tái định cư xen ghép, thực thi giải pháp công trình nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Hiện trên địa bàn có chín huyện miền núi vẫn còn 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Theo phản ánh của lãnh đạo một số địa phương, định mức hỗ trợ 300 triệu đồng/hộ tái định cư tập trung áp dụng chung ở chín huyện miền núi là không phù hợp các huyện đặc biệt khó khăn, khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Thanh Hóa và các địa phương đang trông đợi thêm nguồn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm sớm hoàn thành mục tiêu, nâng cao chất lượng sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh những khó khăn do nguồn vốn bố trí thực hiện các chương trình, dự án còn hạn chế, chưa tương xứng với mục tiêu đề ra, theo chia sẻ của lãnh đạo các địa phương, do địa điểm các khu tái định cư được bố trí cách khá xa trung tâm xã, huyện, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nên họ chưa mặn mà về nơi ở mới. “Phần lớn các hộ dân thuộc diện phải di dời đã có nhà ở khá kiên cố, khang trang, đến nơi ở mới họ phải xây dựng lại từ đầu, trong khi định mức hỗ trợ cho việc di dời thấp. Thêm nữa, có điểm tái định cư thiếu nguồn nước sinh hoạt và người dân phải đi làm đồng khá xa do vẫn canh tác ruộng, vườn tại nơi ở cũ. Giai đoạn đầu, nhiều hộ gia đình quay về nơi ở cũ, gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương”, Chủ tịch UBND xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), Trần Tiến Chương cho biết.
Để bảo đảm an toàn tính mạng tài sản cho nhân dân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, Trương Hữu Nam cho rằng, đối với các công trình dự án di dân tái định cư khẩn cấp, các địa phương cùng các ngành liên quan cần được ưu tiên vốn và có giải pháp triệt để hơn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm an toàn và ổn định cuộc sống cho nhân dân. Cùng với đó, các địa phương cần xác định đúng, trúng tinh thần “sống chung với lũ” để nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai, mở rộng mạng lưới thông tin liên lạc, sẵn sàng các điều kiện để tổ chức sơ tán, di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai theo các kịch bản được xây dựng nhằm hạn chế những tổn thất do biến đổi khí hậu, thiên tai gây ra.