BVR&MT – Khi hỏi thăm đường vào nhà ông Lý Văn Bình, người dân ở thôn 7, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đều không quên nhắn nhủ, nếu không hẹn trước khó mà gặp được ông đấy. Mãi chiều muộn chúng tôi mới tới nhà, cũng vừa kịp lúc ông “tay nải” trở về. Bao năm nay, hành trình xuôi ngược bền bỉ tìm sách cổ, ghi chép tư liệu được ông Bình coi là niềm vui và trách nhiệm nhằm giữ mạch nguồn văn hóa chảy mãi nơi bản làng người Dao Thanh Y.
30 năm hành trình cùng con chữ
Trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao Thanh Y, mỗi gia đình đều có một cuốn gia phả. Cuốn gia phả này ghi chép đầy đủ lý lịch cũng như vai trò và công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và mộ phần của gia đình hay một dòng họ. Gia phả được viết bằng chữ Nôm Dao. Do đó, nếu không học chữ Nôm Dao thì sẽ không đọc được sách, không hiểu được nguồn gốc của mình. Chưa kể, trong các dòng họ đều có những cuốn sách quý ghi chép về nghi lễ, những điều răn dạy của cha ông ngàn đời.
Đau đáu với chữ viết dân tộc mình, thế nên ngày ngày ông Bình vẫn cần mẫn chép lại từng cuốn sách cổ theo cách thủ công vì một khát khao “neo giữ” chữ Nôm Dao ở lại trong cuộc sống tất bật ngày hôm nay.
Và suốt bao năm qua, “như việc phải làm”, ông tự giao cho mình một nhiệm vụ sưu tầm, tìm hiểu cội nguồn văn hóa từ những cuốn sách cổ. Hiện nay, ông Bình sở hữu gần 100 cuốn sách cổ. Tất cả đều được dịch ra tiếng Việt để mọi người cùng hiểu và trân trọng văn hóa dân tộc. Ông bảo, kho tàng thơ ca, truyện cổ, lời Páo dung… của người Dao là “kho báu”, mà kho báu càng nhiều người biết đến, yêu thích nó thì càng quý, càng có giá trị.
Đặc biệt từ nhiều năm qua, căn nhà nhỏ ven sườn đồi nơi bản Đặng thuộc thôn 7 xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là nơi nhiều học trò tìm đến để học chữ. Ông tâm sự, chữ Nôm gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Dao. Tuy nhiên, hiện nay người biết đọc, biết viết không còn nhiều. Đó chính là trăn trở để ông Bình đến với nghiệp truyền dạy chữ.
Lớp học do ông tổ chức thu hút nhiều người, không chỉ người Dao trong vùng mà còn có cả học trò ở Yên Sơn, Na Hang, học trò ở tỉnh bạn như Hà Giang, Yên Bái đến xin theo học.
Anh Bàn Văn Bảo, xã Tân Long (Yên Sơn) chia sẻ: “Sách học được thầy giáo Bình dịch ra từ những cuốn sách cổ. Trước đây tôi chỉ biết nói chứ không biết viết tiếng Dao, được theo học tôi càng thấy chữ của người Dao mình rất hay. Đây là kho tàng kiến thức để sau này còn truyền dạy cho con cháu”.
Trong quá trình theo dạy chữ, ông Bình thường cho học trò học ý nghĩa của các từ cổ, đạo lý làm người, các bài cúng, bài hát dân tộc và cách thức tổ chức các nghi lễ dân tộc như, lễ cấp sắc, lễ cúng ngày Tết, ngày rằm… Với cách giảng dạy linh hoạt, học đi đôi với hành, ông cho học viên tham dự những nghi lễ để luyện tập và làm quen dần.
Khi nhớ về lớp lớp thế hệ học trò bao năm theo học cùng mình, ông Bình không thể nhớ nổi số lượng. Ông bày tỏ: “Cứ ai đến xin theo học là mình sẵn sàng nhận dạy miễn phí. Nôm Dao là chữ tượng hình, người học cần có sự tập trung, chuyên tâm, cần cù. Do đó, làm thầy dạy chữ thì cứ phải nhiệt tình để truyền động lực cho các học trò để khi vào bài khó không có trò nào nản rồi bỏ dở giữa chừng”.
Xây dựng nếp sống văn hóa mới
Ngay từ khi còn trai trẻ, Lý Văn Bình là “của hiếm” của bản khi 17 tuổi đã thông thạo chữ Nôm Dao, hiểu biết nhiều nghi lễ của đồng bào mình. Ông từng 11 năm đảm nhiệm chức vụ Trưởng thôn. Và từ năm 2011, ông được người dân bầu chọn là Người có uy tín.
Ông bảo, thôn 7 xã Tân Tiến được ghép từ 2 bản Đặng và bản Cháy với 126 hộ dân, chủ yếu đồng bào Dao Thanh Y. Bà con nơi đây vẫn luôn có ý thức giữ gìn văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Điều khiến ông trăn trở đó là phải làm thế nào để thông tỏ tư tưởng về không tảo hôn, không sinh đẻ nhiều, không thách cưới cao, giảm bớt lễ nghi trong ma chay cưới hỏi, cấp sắc…
Bên cạnh những phong tục tập quán tốt đẹp thì nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục, nghi lễ rườm rà gây tốn kém. Có nhà làm đám cưới cho con trai hết hai con trâu, mổ thêm mấy con lợn nữa, chưa tính gà, vịt, gạo, rượu… Tốn kém quá, lại thành gương xấu cho nhà khác. Rồi chưa kể tang ma, cưới hỏi, đám chay… kéo dài tận mấy ngày, làng trên xóm dưới kéo đến tụ tập mất nhiều thời gian lắm! Không trách bà con được, xưa nay người Dao làm gì thì đều do các ông thầy đưa ra các lễ nghi, thủ tục thôi.
Hơn ai hết ông hiểu đó là trách nhiệm của mình, bởi mình vừa là cán bộ thôn vừa lại là thầy cúng của bản. Thế là ông Bình bắt đầu nghiên cứu để học các bài cúng từ ngắn đến dài, bàn bạc với các thầy tào, thầy cúng trong ngoài bản, chủ động cắt bỏ các lễ nghi rườm rà. Dần dà, các nghi thức ngắn gọn trở nên quen thuộc, người Dao ở đây tin rằng: Tổ tiên bây giờ cũng chả thích cúng nhiều, nói lâu nữa. Con cháu chỉ cần thành tâm là được thôi. Ví như trước đây, đám cưới mất tới 3 ngày 3 đêm thì giờ chỉ còn 2 ngày 1 đêm; lễ cấp sắc trước phải mất tới 3 ngày 2 đêm giờ chỉ còn 1 ngày 1 đêm. Còn các thủ tục thách cưới cũng chỉ là tượng trưng để nhắc nhở con cháu giá trị trong hôn nhân, tránh gây tốn kém, trở thành gánh nặng cho vợ chồng mới cưới.
Không chỉ góp phần cắt giảm các nghi thức tín ngưỡng, nhiều năm qua ông Bình còn là một “cây văn nghệ” năng nổ của thôn. Ông hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ người Dao thôn 7 Tân Tiến. Câu lạc bộ có 35 thành viên, thường xuyên đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài xã với các tiết mục hát Páo Dung, múa người Dao, biểu diễn trang phục người Dao Thanh Y… Ngoài sưu tầm những lời hát cổ, ông cũng “khoác áo mới” cho các làn điệu Páo Dung bằng những lời ca tươi mới phản ánh cuộc sống hôm nay. Những lời hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, về vẻ đẹp của quê hương vang vọng nơi bản làng: “Tân Tiến ơi, có đâu xa vời/ Hoa nở thơm ngát giữa mùa xuân/ Gió lộng ngạt ngào nắng chiều tím biếc/ Mây trắng vờn quanh quanh bản làng” (Về Tân Tiến hôm nay)…
Ông bảo rằng, người Dao có câu “Ruộng cũ cày sâu sẽ thành ruộng mới”… Việc đặt lời mới cho các làn điệu dân ca mở thêm con đường để văn hóa người Dao có sức sống lâu bền, trường tồn theo thời gian.
Nói được, làm được nên giờ đây mỗi câu nói ông có sức nặng như đá. Vừa qua, ông Lý Văn Bình vinh dự cùng Đoàn đại biểu Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt tại Phủ Chủ tịch. Đây là niềm vui và động lực, trách nhiệm để ông tiếp tục truyền lửa văn hóa người Dao cho thế hệ mai sau.