BVR&MT – Ðể tiếp tục phát huy vai trò chủ lực phát triển kinh tế và trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần coi hoạt động quản lý năng suất là “chìa khóa” và đòn bẩy để tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng giúp tăng năng suất.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Nâng cao năng suất, chất lượng của khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Một số doanh nghiệp đã tích cực đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nhờ đó đã nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ kết quả thực hiện Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn từ năm 2010 đến 2020. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp đã được hỗ trợ chi phí xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000,… và các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng như 5S, kaizen, LEAN,…
Bên cạnh đó, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp; tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo chủ trương, định hướng của Nhà nước; hình thành và phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá thành. Tuy nhiên hiện nay, số lượng doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ vẫn còn ít; doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp không ít khó khăn, hạn chế do phải vượt qua các rào cản kỹ thuật; chất lượng sản phẩm, hàng hóa không ổn định, năng suất thấp, chưa tạo dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách năng suất với các nước và ngày càng nâng cao lợi thế cạnh tranh. Do đó, tìm và áp dụng các giải pháp phù hợp để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đón đầu làn sóng công nghệ mới, thích nghi và phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là điều cần thiết và ưu tiên hàng đầu. Và vì thế, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 là sự tiếp nối, phát huy các thành quả đã đạt được thời gian qua, với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp quản lý và nâng cao năng suất, chất lượng trong xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa vào phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo và thực tế cho thấy đây chính là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), các nền kinh tế thành viên đã thảo luận và nghiên cứu các giải pháp để tăng năng suất, trong đó có “đi tắt đón đầu” thông qua đổi mới sáng tạo, cải cách mô hình quản lý, đồng thời mở rộng năng lực áp dụng các thực hành và công nghệ mới, thế hệ mới. Việt Nam cũng đã xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.
Ðể thúc đẩy hoạt động quản lý năng suất trong doanh nghiệp, trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sự cần thiết và vai trò, ý nghĩa của hoạt động đổi mới sáng tạo, nhất là chuyển dịch sang sản xuất thông minh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua các buổi hội thảo, tư vấn, thảo luận,… Từ đó, doanh nghiệp sẽ quan tâm và hiểu rõ hơn về đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện, bối cảnh của doanh nghiệp. Nhà nước cần tăng cường nguồn lực cho đổi mới sáng tạo thông qua phát huy nguồn lực nghiên cứu và phát triển; đồng thời, nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp thông qua các hoạt động, hình thức để trao đổi, phối hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về cách thức đổi mới sáng tạo, vận dụng giải pháp thích hợp để chuyển dịch sang sản xuất thông minh cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Ðó là cơ sở để tạo ra hiệu ứng lan tỏa về hoạt động đổi mới sáng tạo bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp.
Nhà nước cũng cần xác định doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo và việc thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng là điều kiện sống còn của doanh nghiệp, từ đó tuyên truyền, triển khai tích cực các giải pháp trong quá trình thực hiện hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo hay quá trình thực hiện sản xuất thông minh như xây dựng văn hóa về đổi mới sáng tạo, xác định nguồn nhân lực, cách thức đổi mới sáng tạo, đánh giá kết quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp ■