BVR&MT – Ngư dân tỉnh Trà Vinh đang gặp khó trong việc vươn khơi, bám biển khi chi phí ra khơi tăng hơn 50% trong khi giá hải sản giảm. Từ tháng 1 đến nay, hàng trăm tàu cá bị “treo” tại Cảng cá Ðịnh An, huyện Trà Cú.
Phó Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Ngon cho biết, tỉnh hiện có 1.140 tàu cá với 4.193 thuyền viên, lao động nghề cá. Dù thời tiết thuận lợi, nhưng thời gian bám biển của ngư dân giảm mạnh. Sáu tháng đầu năm 2022, sản lượng hải sản giảm hơn 40% so cùng kỳ.
Ngư dân khó ra biển
Ông Trần Công Ðức, khóm 1, thị trấn Ðịnh An cho biết, gia đình đã gắn bó với nghề đánh bắt hải sản xa bờ hơn 40 năm qua, ba người con trai của ông đang quản lý sáu tàu, công suất 380CV/tàu với ngư trường khai thác chủ yếu ở vùng biển hai tỉnh Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu. Trước đây, giá dầu chỉ 15.500 đồng/lít, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt hải sản kéo dài 10 ngày, sử dụng hơn 10.000 lít dầu. Sau khi bán cá, trả tiền thuê bạn tàu, thuyền trưởng, ông Ðức có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/chuyến. Từ đầu năm 2022 đến nay, ông neo đậu sáu tàu cá tại Cảng cá Ðịnh An do giá dầu tăng cao, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi tăng hơn 100 triệu đồng. Sản phẩm sau đánh bắt, thương lái thu mua tại cảng cá với mức giá thấp hơn so với trước đây: Cá chim 470.000 đồng/kg, hiện giá chỉ 420.000 đồng; cá lù đù 35.000 đồng/kg, giảm còn 17.000-20.000 đồng/kg…
Ngư dân Phan Thanh Tùng, khóm 1 có chín tàu cá đánh bắt xa bờ. Sau Tết Nguyên đán 2022, ra khơi từ vùng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trở về, ông Tùng lỗ hơn 400 triệu đồng do giá dầu tăng, giá cá sụt giảm. Các tàu cá của ông buộc phải neo đậu tại Cảng cá Ðịnh An từ tháng 3/2022 đến nay dù sóng yên, biển lặng, và đang là mùa khai thác biển. Ông Tùng lo lắng với khoản nợ ngân hàng 11 tỷ đồng vay để đóng mới tàu, mua ngư cụ và hơn 2 tỷ đồng ứng trước cho 60 bạn tàu và thuyền trưởng, nhưng ba tháng nay tàu không nhổ neo. “Hơn 20 năm bám biển, mỗi đợt đi biển ba tháng mới vào bờ một lần, nhưng chưa khi nào ngư dân gặp khó như bây giờ. Mấy tháng nay, tôi tranh thủ sửa lại ngư cụ, chỉ mong giá xăng dầu giảm xuống để tiếp tục ra biển tìm nguồn sống và trả nợ ngân hàng, chứ tình hình này ngư dân không biết phải sống sao với nghề cá”, ông Tùng buồn rầu.
Ông Trang Văn Ngào, Chủ tịch UBND thị trấn Ðịnh An cho biết, địa phương có thế mạnh về khai thác biển và các dịch vụ hậu cần nghề cá, với 100 phương tiện tàu cá đánh bắt xa bờ, 59 phương tiện khai thác ven bờ. Ðây là hoạt động kinh tế chính, đem lại nguồn thu chủ yếu cho địa phương. Gần đây, ngư dân không thể ra khơi, kéo theo các hoạt động dịch vụ hậu cần cũng giảm mạnh. Ðến nay, sản lượng khai thác biển chỉ đạt hơn 35% kế hoạch năm. Ðịa phương và ngư dân mong muốn Nhà nước có chính sách trợ giá nguyên liệu và các ngân hàng khoanh nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ vốn vay để ngư dân tiếp tục ra khơi, bám biển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngoài giá nhiên liệu, chi phí lương thực, thực phẩm, nước đá, thuyền viên đều tăng thì một số chủ tàu không có kinh nghiệm hoạt động trên các vùng biển xa, nguồn lợi hải sản giảm khiến liên tục thua lỗ. Nghịch lý là khi chi phí đầu vào tăng cao thì giá thu mua sản phẩm lại giảm và có khuynh hướng ngày càng giảm mạnh hơn, do thương lái phải khấu trừ thêm nguồn tăng chi phí nhiên liệu trong quá trình thu mua, vận chuyển. Từ đó, các chủ tàu chậm trả nợ ngân hàng và có nguy cơ không thể tiếp tục nghề cá.
Thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng nghề cá
Trà Vinh án ngữ cửa ngõ ra biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có bờ biển dài 65km với ngư trường rộng, nguồn lợi hải sản phong phú, thuận lợi nuôi trồng, đánh bắt hải sản và phát triển cảng biển. Trong đó, Cảng cá Ðịnh An với vị trí đắc địa là nơi các tàu cá trong và ngoài tỉnh thường xuyên cập bến để giao thương hàng hóa, trở thành trung tâm đầu mối thu mua và trung chuyển hải sản các tỉnh, thành phố ven biển Tây Nam Bộ.
Trước đây, thực hiện Ðề án hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu khai thác xa bờ giai đoạn 2014-2016, tỉnh đã hỗ trợ hơn 12 tỷ đồng phát triển nghề câu, lưới vây, lưới rê, dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, ngư dân được hỗ trợ đóng mới tàu, cải hoán, thay máy tàu. Chưa kể, thực hiện Nghị định số 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ, tỉnh được Trung ương phân bổ đóng mới 23 tàu cá. Với chính sách phát triển nghề cá, ngư dân mạnh dạn vay tiền các ngân hàng thương mại để đóng tàu công suất lớn.
Việc phát triển đội tàu đã nâng cao hiệu quả khai thác hải sản xa bờ, góp phần tăng nguồn thu của tỉnh, nhất là từ khi Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu được đưa vào khai thác từ năm 2016 đến nay, tàu cập Cảng cá Ðịnh An tấp nập. Năm 2017, có thời điểm cập bến gần 200 tàu/ngày, sản lượng hải sản cập bến 25.000 tấn/năm. Dịch vụ hậu cần nghề cá tại đây phát triển đa dạng bảo đảm cung ứng tốt cho ngư dân ra khơi; hệ thống thu mua, phân phối tại cảng diễn ra sôi động. Ðây được đánh giá là “thời hoàng kim” của Cảng cá Ðịnh An.
Gần đây, tuyến luồng tàu vào cảng và khu neo đậu tàu để tránh trú bão đã bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào cảng gặp khó khăn, tàu lớn phải chờ thủy triều lên cao. Khi nhiều tàu lớn cập cảng cùng lúc, gây ách tắc, ùn ứ lâu làm giảm chất lượng hải sản. Sản lượng hải sản năm 2020 chỉ còn 15.000 tấn. Trước tình hình đó, tháng 10/2020, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt chủ trương đầu tư gần 293 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng Cảng cá Ðịnh An.
Trong đó, ngân sách Trung ương bố trí 264 tỷ đồng, còn lại ngân sách của tỉnh đối ứng. Dự án sẽ mở rộng cảng cá kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão gồm bến cập tàu, nạo vét luồng tàu và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như bãi tiếp nhận, nhà sơ chế hải sản, hệ thống xử lý nước thải. Khi hoàn thành, cảng sẽ có sức chứa khoảng 500 tàu, chiều dài tối đa 25m/tàu. Việc nâng cấp, mở rộng sẽ thúc đẩy hoạt động của cảng tiếp tục phát triển, xứng đáng là trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực, giúp tàu thuyền neo đậu an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra. Ðến nay, việc triển khai dự án còn nhiều trở ngại, do Trung ương chưa bố trí nguồn vốn đầu tư, trong khi hạ tầng nghề cá đang xuống cấp ngày càng nghiêm trọng ■