BVR&MT – Cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bắc Hà còn 8,79%, nhưng do thay đổi tiêu chí chuẩn nghèo, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo tăng 7 lần, với 58,05%. Vì thế, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đặt ra bài toán mới cần tháo gỡ.
Chuẩn nghèo thay đổi
Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi về một số xã của huyện Bắc Hà để tìm hiểu công tác giảm nghèo. Tại Cốc Ly, cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 31%, thế nhưng tính theo tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025, trên địa bàn xã có 852/1.140 hộ nghèo, chiếm 74,7%. Phần lớn hộ đã thoát nghèo năm 2020, nay “tái nghèo”.
Nguyên nhân do tiêu chí hộ nghèo có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội hiện nay. Theo quy định cũ (từ năm 2020 trở về trước), hộ thoát nghèo ở khu vực nông thôn phải có thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng; hộ ở thành thị thu nhập bình quân trên 1,3 triệu đồng/người/tháng. Còn theo quy định mới, để thoát nghèo, các hộ ở nông thôn phải đảm bảo thu nhập trên 1,5 triệu đồng/người/tháng và ở thành thị thu nhập trên 2 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, chuẩn nghèo hiện nay tiếp cận đa chiều theo các tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cũng khiến gia tăng tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều địa phương.
Việc các hộ thoát nghèo năm 2020, rồi tái nghèo năm 2021 trở thành thực trạng chung ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bắc Hà. Như tại xã Bản Liền, cuối năm 2020 chỉ còn 90 hộ nghèo, chiếm 18,3% tổng số hộ, nhưng tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, xã có 342 hộ nghèo, chiếm 69,37% tổng số hộ.
Trường hợp hộ ông Vàng A Dùng, ở thôn Khu Chu Tủng là một thí dụ. Là hộ nghèo, được sự động viên, hỗ trợ bằng các nguồn vốn phát triển sản xuất, năm 2020, gia đình ông đã xây được nhà ở, thu nhập bình quân đạt hơn 1 triệu đồng/người/tháng và thoát nghèo. Tuy nhiên, căn cứ quy định mới, gia đình ông tái nghèo. Ông Dùng nói: Tôi chủ yếu đi làm thuê, vợ ở nhà làm nông nghiệp nuôi 3 con ăn học. Công việc bấp bênh nên thu nhập chưa đạt trên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian tới, tôi muốn phấn đấu nâng cao thu nhập nhưng chưa biết bằng cách nào.
Ông Vàng A Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết: Xã có 13 thôn với 491 hộ. Đa số hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trình độ dân trí không cao nên khó tiếp cận khoa học – kỹ thuật trong sản xuất… Do đó, việc giảm nghèo gặp không ít khó khăn.
Quyết tâm giảm nghèo
Mặc dù công tác giảm nghèo là vấn đề khó, nhưng với quyết tâm cao, trên địa bàn huyện Bắc Hà vẫn có những hộ thoát nghèo bền vững, như gia đình anh Sùng Seo Xà, ở thôn Làng Sa 2, xã Cốc Ly. Qua tìm hiểu được biết, trước kia gia đình anh Xà thuộc diện khó khăn, nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Từ khi được chính quyền tạo điều kiện vay vốn ngân hàng và khuyến khích phát triển kinh tế, anh đã đầu tư mở rộng diện tích trồng ngô hàng hóa, xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn thịt, trâu sinh sản. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu hơn 20 tấn lợn thịt và có thêm 1 – 2 con nghé từ 3 con trâu sinh sản. Nhận thấy cây quế có tiềm năng phát triển, gia đình anh đã đưa vào trồng trên diện tích trồng ngô kém hiệu quả. Sau 7 năm, diện tích quế của gia đình anh được mở rộng lên gần 5 ha. Với nguồn thu 200 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, trồng rừng, gia đình anh Xà có tiền mua sắm tiện nghi sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thoát nghèo bền vững.
Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xã Cốc Ly triển khai nhiều giải pháp để có thể giảm 4 – 5% hộ nghèo/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc thoát nghèo gặp nhiều trở ngại. Chủ tịch UBND xã Bàn Văn Phú thông tin: Xã có hơn 600 lao động từ miền Nam trở về do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân là một trong những vấn đề then chốt, vì thế xã đã chủ động làm việc với các công ty, doanh nghiệp giúp người dân có việc làm. Đến nay, xã đã giới thiệu được khoảng 100 lao động vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện.
Xã Cốc Ly cũng lồng ghép các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và tạo thuận lợi nhất cho người dân vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích phát triển kinh tế từ các mô hình phù hợp với điều kiện địa phương như nuôi cá lồng trên hồ thủy điện, chăn nuôi gia súc, chuyển diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng quế…
Tương tự, phấn đấu “về đích” nông thôn mới trong năm 2022, xã Bản Liền đặt mục tiêu giảm 283 hộ nghèo. Ông Vàng A Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết: Áp lực sẽ rất lớn, nhưng chúng tôi xác định không chạy theo số lượng mà phải giảm nghèo bền vững. Chính quyền xã sẽ tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các chính sách, nguồn lực của Nhà nước, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo…
Tăng hộ nghèo theo tiêu chí mới tác động lớn đến việc hoạch định các chính sách kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Việc giảm nghèo trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Có những trường hợp, gia cảnh quá khó khăn, nếu “gò” để đạt chỉ tiêu kế hoạch thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy, khiến đời sống của người dân thêm khó khăn. Vì thế, huyện sẽ lồng ghép, thực hiện đồng bộ các giải pháp để công tác giảm nghèo thực chất, hiệu quả.