BVR&MT – Một tách cà phê nóng là khởi đầu ngày mới hoàn hảo cho hàng triệu người trên thế giới. Nhưng khi nhấp ngụm đầu tiên, người ta dễ dàng quên mất rằng phải tốn biết bao công sức để cốc cà phê ấy có thể được đặt trên bàn ăn.
Rất nhiều công đoạn cần thực hiện để tạo ra một sản phẩm cà phê, từ việc nông dân trồng và thu hoạch cây cà phê, đến xay xát và rang hạt. Giống như tất cả các quy trình công nghiệp, ngành cà phê sử dụng và tiêu tốn nhiều diện tích đất, nước và năng lượng.
Điều này có nghĩa là ngày càng nhiều sự giám sát xung quanh tính bền vững của hành trình mang hạt cà phê đến với người tiêu dùng – điều các ông chủ một số công ty cà phê lớn chưa từng để ý đến.
Ông Illy, chủ tịch hãng cà phê khổng lồ Illycaffe của Ý cho biết hệ thống vận hành hiện tại đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo ra một phần thặng dư “vô hạn”.
Phần thặng dư này “gây ô nhiễm và tích tụ trong sinh quyển, cuối cùng bóp ngạt và ngăn cản chúng tự tái tạo”. Do đó, “chúng ta cần thay đổi mô hình này và tạo ra một mô hình “bắt chước sinh học” mới, hoạt động giống như tự nhiên, chỉ sử dụng năng lượng tái tạo… có thể là năng lượng mặt trời”.
“Chúng ta đang bàn luận về quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng đó là điều kiện tiên quyết của một quá trình chuyển đổi lớn hơn nhiều, đó là quá trình sinh thái”- Ông Illy chia sẻ với phóng viên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Lập luận của Illy đưa ra khái niệm về nền kinh tế tuần hoàn. Chủ đề này thu hút nhiều sự chú ý trong những năm gần đây, nhiều công ty trên khắp thế giới đang tìm cách vận hành theo cách giảm thiểu chất thải và khuyến khích tái sử dụng.
Phát biểu tại WEF bà Maria Mendiluce, Giám đốc điều hành Liên minh Kinh doanh We Mean nhấn mạnh rằng các ý tưởng liên quan đến kinh tế tuần hoàn không bị giới hạn trong ngành sản xuất thực phẩm.
Bà Mendiluce chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ rằng chúng ta chưa khai thác hết sức mạnh của mô hình kinh tế tuần hoàn trong các hệ thống công nghiệp và bây giờ là “thời điểm thích hợp để triển khai”.
Bà Mendiluce cũng bình luận về các vật liệu quý hiếm cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững hơn, với tham chiếu cụ thể là các nhà sản xuất linh kiện gốc (OEM), như các nhà máy sản xuất ô tô. Chúng ta cần tái chế vật liệu – coban, niken, etcetera – để có thể cung cấp pin cho tương lai.
Chậm nhưng chắc, các công ty đang phát triển các quy trình tái chế vật liệu quan trọng phục vụ cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Chẳng hạn như tháng 11 năm ngoái, công ty pin của Thụy Điển Northvolt cho biết họ đã sản xuất sản phẩm pin điện đầu tiên được từ 100% niken, mangan và coban tái chế.
Vài tháng trước đó, vào tháng 6 năm 2021, đơn vị năng lượng tái tạo của General Electric và tập đoàn xi măng khổng lồ Holcim đã ký một thỏa thuận nghiên cứu khả năng tái chế các cánh tuabin gió.
Quay trở lại chủ đề về cách tự nhiên có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, Dickon Pinner, đối tác cấp cao và đồng quản lý McKinsey Sustainability, đã mô tả thiên nhiên “giống như bảng cân đối kế toán của hành tinh”.
Ông nói: “Nền kinh tế có rất nhiều thứ phụ thuộc vào tự nhiên trong khi nhiều công ty và chính phủ vẫn chưa nhận thức hết được. Sự phụ thuộc lẫn nhau là … hết sức tuyệt vời.”
Huyền Trang (Theo CNBC)