BVR&MT – Nhằm phát huy mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, với mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế về tự nhiên, vị thế trung tâm vùng. Bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Khắc phục khoảng cách chênh lệch về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng mức bình quân của cả tỉnh; tích cực thực hiện công tác xoá đói, giảm nghèo. Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ. Đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; thông tin truyền thông; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, chú trọng bảo tồn văn hoá vật thể, phi vật thể, kiến trúc tiêu biểu của của các dân tộc; xóa bỏ các tập quán, hủ tục lạc hậu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; chú trọng cải thiện thể chất, tầm vóc, trí lực con em đồng bào các dân tộc thiểu số đạt mức trung bình của cả nước. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Củng cố các địa bàn chiến lược, giải quyết tốt mối quan hệ giữa các dân tộc. Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Kế hoạch cũng xác định rõ mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng lên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn đa chiều bình quân hằng năm từ 4% trở lên. Nâng cấp 100% đường ô tô đến trung tâm thôn, bản được rải nhựa hoặc bê tông; 85% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 97% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đọc được báo, xem truyền hình và nghe phát thanh của tỉnh trên thiết bị thông minh. Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo người DTTS 4 tuổi và 5 tuổi đến trường đạt 99%, học sinh người DTTS trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 99%, học sinh người DTTS trong độ tuổi học trung học cơ sở đến trường đạt 98%, học sinh người DTTS trong độ tuổi học trung học phổ thông trên 60%; người DTTS trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%. Tỷ lệ đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Trên 80% phụ nữ người DTTS có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em người DTTS suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) còn dưới 15%. Tỷ lệ lao động là người DTTS trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu đạt 50%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.
Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, xoá bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu. 100% nhà sinh hoạt cộng đồng được nâng cấp, sửa chữa; trên 80% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (hoặc câu lạc bộ) truyền thống hoạt động, tỷ lệ thôn đạt tiêu chuẩn văn hóa từ 80% trở lên. Đảm bảo tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu só ở từng địa phương.
Đến năm 2030 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 10%/năm. Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng ½ bình quân chung của cả tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Chuẩn đa chiều xuống dưới 7%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Năng suất lao động xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tăng bình quân 6,5%/năm. Tuổi thọ trung bình người dân tộc thiểu số đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe đạt tối thiểu 68 tuổi. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS là 52%, trong đó có ít nhất 50% là nữ lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN hằng năm thu hút 3% lao động sang làm việc các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đến năm 2030 có 50% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ DTTS. 100% cán bộ, công chức cấp xã vùng DTTS&MN có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên; 100% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo 4 nhóm đối tượng. Phấn đấu có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông – lâm nghiệp, hàng hóa. Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH và đời sống của người dân. Quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ DTTS đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 60%.
Tầm nhìn đến năm 2045 tăng mức thu nhập bình quân của cộng đồng các dân tộc thiểu số bằng 2/3 bình quân chung của tỉnh. Cơ bản không còn hộ nghèo theo Chuẩn đa chiều, người dân tộc thiểu số được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH và đời sống của người dân. Tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đồng bào DTTS gắn với kế hoạch phát triển chung của cả tỉnh. Xây dựng các xã, phường biên giới hưng thịnh, phát triển toàn diện.
Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, đạt được các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới Lào Cai xác định thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân tộc. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; quan tâm phát triển nguồn nhân lực các DTTS. Tập trung các nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; ưu tiên các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phù hợp với tập quán của từng dân tộc và tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin và truyền thông. Bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân cải tạo tập quán lạc hậu. Bảo đảm quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác, đối ngoại trong các vấn đề liên quan đến công tác dân tộc.
Sơn Tinh