BVR&MT – Từ khi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đến nay, các chỉ số về vốn, doanh thu của phần lớn hợp tác xã đều tăng, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để hợp tác xã sớm trở thành một trong những động lực của nền kinh tế nông thôn, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần đẩy mạnh việc đưa hợp tác xã vào chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ của doanh nghiệp.
Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa được thành lập năm 1979. Trước và sau khi Luật Hợp tác xã chính thức có hiệu lực, Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa luôn là một trong những “cánh chim đầu đàn” trong phong trào kinh tế hợp tác tỉnh Quảng Nam. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Trương Cảm, bí quyết để Ái Nghĩa thành công trong suốt 43 năm qua chính là sự năng động, sáng tạo và luôn đổi mới trên tinh thần vì sự phát triển kinh tế của các thành viên. Đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa có 1.720 hộ thành viên, quản lý và tổ chức sản xuất gần 500ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 332ha đất lúa và 120ha đất trồng hoa màu.
Ngoài trực tiếp canh tác, Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa còn cung ứng các dịch vụ khép kín như: sản xuất lúa giống, chế biến gạo an toàn và bánh tráng nhúng; đồng thời tham gia chuỗi giết mổ gia súc, gia cầm… Hiện Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa đang sở hữu hai thương hiệu “Bánh tráng Đại Lộc” sản phẩm OCOP 4 sao và “Gạo an toàn Ái Nghĩa” sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ nắm bắt thị trường tốt, mạnh dạn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên doanh thu hợp tác xã luôn đạt mức cao. Cụ thể, năm 2020, đơn vị đạt doanh thu hơn 23 tỷ đồng, năm 2021 là hơn 30 tỷ đồng. Có được kết quả tốt như vậy cho thấy sự thay đổi mang tính đột phá từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư khoa học-công nghệ cũng là bí quyết để Hợp tác xã nông nghiệp và thương mại Mường Động, tỉnh Hòa Bình trụ vững và phát triển. Điểm đặc biệt của Hợp tác xã là một nửa số thành viên là người dân tộc Mường và Dao sinh sống tại nhiều xã trong huyện Kim Bôi. Với số vốn ban đầu 5 tỷ đồng, Hợp tác xã đã đăng ký 16 ngành nghề sản xuất, kinh doanh; trong đó, xác định trồng cây cam, quýt và các loại cây ăn quả có múi khác là hoạt động chính. Từ diện tích ban đầu là 125ha cây ăn quả có múi, đến nay Hợp tác xã nông nghiệp và thương mại Mường Động đã mở rộng được hơn 147ha, trong đó diện tích trồng cây sản xuất, kinh doanh chiếm 65%.
Hiện, Hợp tác xã có 77,6ha cây ăn quả có múi được cấp chứng nhận VietGAP và 3,2ha được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ. Hợp tác xã cũng đã đầu tư nhà lưới nhân giống cây ăn quả rộng 1.000m2 với tổng kinh phí 450 triệu đồng… Nhờ linh hoạt trong sản xuất và kinh doanh nên doanh thu của Hợp tác xã luôn đạt mức cao, chỉ tính niên vụ 2020-2021 doanh thu của Hợp tác xã nông nghiệp và thương mại Mường Động đạt khoảng hơn 28,8 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên đạt 6 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được về mở rộng quy mô sản xuất, doanh thu, phát triển thương hiệu, các Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa, nông nghiệp và thương mại Mường Động vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì có những thời điểm, nhiều loại sản phẩm phải đối mặt với “khủng hoảng thừa”. Nhiều hợp tác xã trong cả nước nói chung vẫn duy trì phương thức canh tác tự phát, nhỏ lẻ dẫn đến sản phẩm sau thu hoạch chất lượng chưa cao, phần nhiều ở dạng sơ chế, chưa xây dựng được thương hiệu thị trường hàng hóa, nên sản phẩm không thể vượt ra khỏi ranh giới địa phương.
Từ thực tiễn hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa, ông Trương Cảm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, để giải bài toán cạnh tranh sản phẩm, các hợp tác xã, trong đó có Hợp tác xã nông nghiệp Ái Nghĩa phải đầu tư, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất cho tương xứng quy mô sản xuất, diện tích đất sản xuất phải thoát khỏi sự manh mún, tạo thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao… song để làm được điều này không chỉ Ái Nghĩa mà các hợp tác xã, tổ hợp tác cần nhận được sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách.
Theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn hợp tác xã vẫn sản xuất theo phương thức tự phát, tự quyết định trồng cây gì, nuôi con gì, bán sản phẩm theo hình thức trôi nổi, không biết trước ai sẽ mua, mua theo giá nào và mua với khối lượng bao nhiêu. Các hợp tác xã cũng chưa tạo được nhiều chuỗi liên kết trong sản xuất với doanh nghiệp, thậm chí có liên kết thì cũng rất lỏng lẻo, mang tính hình thức, phong trào, khẩu hiệu mà chưa đi vào thực chất.
Để thay đổi thực trạng nêu trên, theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, việc đưa hợp tác xã vào chuỗi liên kết sản xuất của doanh nghiệp là hướng đi tất yếu, không chỉ đối với riêng người nông dân và hợp tác xã, mà còn là đối với cả nền nông nghiệp. Khi thực hiện liên kết, doanh nghiệp giải quyết được vấn đề đất đai để sản xuất vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của các nhà máy chế biến, còn người nông dân thì giải quyết được vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, quy trình sản xuất, tổ chức quản lý và thị trường đầu ra, hay nói cách khác người nông dân sẽ không còn phải lo trồng cây gì, nuôi con gì và bán cho ai.
Vì vậy, liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp cần được nâng lên ở mức độ cao hơn và cần có những điều khoản ấn định mức góp vốn của doanh nghiệp, quy định doanh nghiệp cử người tham gia điều hành hợp tác xã nông nghiệp, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, giám sát quá trình sản xuất của hợp tác xã, điều này không chỉ giúp cho hợp tác xã hoạt động tốt hơn, mà còn giúp phương thức liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã thêm chặt chẽ, phát huy thế mạnh của cả hai bên ■