BVR&MT – Mới đây, tại Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh, JETRO đã “bắt tay” cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch (TT XTĐT,TM&DL) tỉnh Bình Phước để chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất xanh và giúp tỉnh này “hút” FDI từ Nhật Bản.
Trên thực tế, Bình Phước nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giáp ranh với các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đang ngày càng được hoàn thiện như quốc lộ 13 kết nối TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước và Campuchia, Lào, Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; quốc lộ 14 nối các tỉnh Tây Nguyên qua Bình Phước, Bình Dương về TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh Bình Phước đã thu hút 350 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 3 tỷ 346 triệu USD từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong buổi làm việc với JETRO tại TP. Hồ Chí Minh lần này, ông Trần Quốc Duy – Giám đốc TT XTĐT,TM&DL tỉnh Bình Phước đã chia sẻ rằng tỉnh này hiện có 7 dự án của 4 nhà đầu tư Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư là 23 triệu đô la Mỹ, chiếm 0,7% tổng vốn FDI của tỉnh. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Bình Phước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung trong lĩnh vực chế biến gỗ và may mặc.
Ngoài ra, ông Duy đã thông tin về các dự án đang triển khai để cải thiện hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển và khoảng cách từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Phước; về môi trường đầu tư tại tỉnh, việc tuyển dụng lao động tại địa phương; chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài…
Ông Duy đề xuất Bình Phước sẽ cùng JETRO tổ chức hội nghị xúc tiến giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong tỉnh với các chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân Nhật Bản đang thực hiện mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” – OVOP (One village, One product) tại Nhật.
Qua đó, các tổ chức, cá nhân do JETRO kết nối sẽ từng bước giúp Bình Phước triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP (One Commune, One Product) do Việt Nam thực hiện trên cơ sở học tập từ mô hình OVOP, từ đó hướng tới mục tiêu sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển bền vững đối với kinh tế.
Ông Duy mong JETRO sẽ tích cực hỗ trợ trong kết nối tỉnh Bình Phước với một số địa phương của Nhật Bản để tìm hiểu, thiết lập quan hệ hợp tác cấp địa phương, giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư tại Bình Phước thông qua việc tổ chức các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư, trong đó lưu ý đến việc chuyển giao các sản phẩm, dịch vụ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại của Nhật Bản trong lĩnh vực chế biến nông sản cho phía Bình Phước.
Đặc biệt, ông Duy gợi ý rằng Bình Phước có thể cùng JETRO tổ chức các chương trình giao lưu trực tuyến, talkshow hay diễn đàn chia sẻ thông tin về văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản và văn hóa tiêu dùng của người tiêu dùng Nhật Bản; từ đó giúp doanh nghiệp Bình Phước thuận lợi hơn khi làm việc với doanh nhân Nhật và hiểu được thị hiếu, sở thích, yêu cầu về chất lượng sản phẩm… của người dân Nhật Bản đối với hàng Việt.
Đáp lời đại diện của phía Bình Phước, ông Hirai Shinji – Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh đã cảm ơn ông Trần Quốc Duy – Giám đốc TT XTĐT,TM&DL tỉnh Bình Phước vì đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho JETRO, giúp JETRO gặp nhiều thuận lợi hơn trong quá trình chuyển tải những nội dung cần thiết đến các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Bình Phước.
Đồng thời, ông Hirai Shinji bày tỏ các khu công nghiệp ở những khu vực gần TP. Hồ Chí Minh sẽ sớm được lấp đầy trong thời gian tới nên các doanh nghiệp đang có khuynh hướng sẽ lựa chọn những địa bàn xa TP. Hồ Chí Minh hơn để đầu tư; qua đó, Bình Phước hiện là điểm đến hấp dẫn không chỉ đối với doanh nghiệp Nhật Bản mà còn đối với doanh nghiệp Hàn Quốc và Châu Âu.
Chính vì thế, ông Hirai Shinji từng nhấn mạnh với các doanh nhân Nhật Bản rằng họ cần phải “nhanh chân” hơn nữa để tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Bình Phước, tránh việc bị “mất chỗ”.
Kết thúc buổi làm việc, ông Hirai Shinji – Trưởng đại diện JETRO tại TP. Hồ Chí Minh cho biết trong kế hoạch khảo sát môi trường kinh doanh, chính sách đầu tư tại 22 tỉnh, thành phía Nam của JETRO sắp tới sẽ có chuyến công tác đến Bình Phước để tìm hiểu các thế mạnh và môi trường đầu tư, kinh doanh ở Bình Phước, phục vụ cho việc cung cấp các thông tin cập nhật cho Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản nhằm góp phần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh một cách bền vững.
Bên cạnh đó, ông Hirai Shinji nhận định các hoạt động phối hợp sắp tới giữa JETRO và Bình Phước sẽ trở nên rất thiết thực và ý nghĩa trong bối cảnh Nhật Bản và Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thiếp lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.
Thắng Trần
Thời gian qua, hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều tiến triển. Theo thống kê, 4.935 dự án đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư lên tới 64,5 tỷ USD (lũy kế).
Về thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đứng thứ 4 và nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam hiện đứng thứ 3 (năm 2021), cả hai đều là những đối tác quan trọng của nhau. Hiện tại, khoảng 450.000 người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Đặc biệt, số lượng các công ty Nhật Bản mở rộng vào Việt Nam ngày càng tăng, số lượng các công ty thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng lên đến 2.000 doanh nghiệp. JETRO chính thức mở văn phòng hoạt động tại Hà Nội vào năm 1993 và tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2.000. Từ đó đến nay, Việt Nam đang ngày càng được quan tâm và trở thành điểm đến yêu thích của các công ty sản xuất Nhật Bản. Tại Việt Nam, JETRO hiện đang triển khai hoạt động tập trung vào các lĩnh vực: chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; xúc tiến đầu tư ra nước ngoài của các công ty Nhật Bản (Việt Nam là một trong những điểm đến hàng đầu); thu hút các công ty nước ngoài (đầu tư của các công ty Việt Nam vào Nhật Bản cũng tăng lên); kinh tế xanh, kinh tế khử carbon (vấn đề các công ty Nhật Bản rất quan tâm); xuất khẩu nông, hải sản (an toàn, an ninh, y tế). |