BVR&MT – Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và người dân địa phương tích cực bảo vệ các loài động vật hoang dã trong rừng. Nhờ đó, nhiều loài động vật, nhất là những loài chim, cò phát triển, góp phần quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái.
Rừng tràm Gáo Giồng có tổng diện tích rừng hơn 1.600ha, trong đó có khoảng 1.200ha rừng tràm. Hiện nay, rừng tràm Gáo Giồng có trên 100 loài chim, cò với hơn 100 ngàn cá thể chim, cò các loại, nhiều nhất là cò ốc. Năm 2017, cò ốc về rừng tràm Gáo Giồng khoảng vài nghìn con và đến nay tăng lên khoảng vài chục nghìn con. Đây là một trong những loại chim nước đang được ưu tiên bảo tồn, lưu giữ. Một số loài quý hiếm khác như điêng điểng, diệc, cò quắm, cò mỏ thìa… Ngoài ra, rừng tràm Gáo Giồng còn là nơi nhiều loài chim di cư tìm đến, điển hình là đàn chim én với khoảng vài trăm nghìn con, chúng ở đây từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm.
Ông Huỳnh Thanh Hiền, Trưởng Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng cho biết, đơn vị có những giải pháp để thu hút chim, cò về đây sinh sống. Cụ thể, Ban Quản lý đẩy mạnh công tác vận động quần chúng nhân dân ở vành đai rừng cùng chung tay bảo vệ động vật hoang dã, tài nguyên rừng và các loài chim, thủy sản. Lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các loài chim về sinh sản.
Theo ông Đinh Văn Quân, Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng chuyên trách, thuộc Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng, giải pháp để bảo vệ rừng tràm là tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực vành đai rừng không đánh bắt động vật hoang dã. Đội bảo vệ rừng chuyên trách thường xuyên đi tuần tra từng khu vực, cả ngày lẫn đêm để không cho đối tượng vi phạm vào bắt giữ động vật hoang dã cũng như đánh bắt nguồn lợi thủy sản.
Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân địa phương đã từng bước nâng lên. Nhiều người không săn bắt trái phép chim, cò để ăn hoặc bán; áp dụng hiệu quả một số biện pháp xua đuổi chim, cò phá hoại lúa mà không làm hại đến chúng; tham gia ngăn chặn đối tượng xâm nhập rừng trái phép.
Ông Nguyễn Văn Chưa, nông dân gần vùng đệm Gáo Giồng cho biết, bà con sống nhờ vùng ven của rừng tràm Gáo Giồng nên có ý thức bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ môi trường xanh.
Để bảo vệ tốt động vật hoang dã, hằng năm, Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng như: Tạo đường băng trắng, đường băng xanh – đây là hai biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong công tác bảo vệ rừng tràm vào mùa khô. Đối với đường băng trắng, khi khai thác tràm, đơn vị dọn dẹp vệ sinh tạo thành đường có chiều rộng 5 mét, làm cỏ chết và xới lên một lớp đất ngăn khoảng cách giữa rừng tràm, đồng cỏ xung quanh, tạo con đường trắng khó lây lan khi cháy. Đơn vị tạo đường băng xanh bằng cách trồng bạch đàn, tràm bông vàng và tre xung quanh trên đê bao, bờ bao, tuyến kênh, tạo vành đai xanh, không chỉ giúp phòng cháy, chữa cháy rừng mà còn thu hút các loại chim, thú về sinh sống ngày càng đông.
Chim, cò thích nghi tốt với môi trường ở rừng tràm Gáo Giồng do nơi đây có nhiều cây cỏ, thức ăn, là vùng đất ngập nước và có nước ngọt quanh năm… Thức ăn chủ yếu của chim, cò là các loại ốc, cua, ếch, nhái, cá, nhiều loại côn trùng khác. Riêng loài cò ốc đã giúp rừng tràm Gáo Giồng tiêu diệt số lượng lớn ốc bươu vàng nguy hại.
Ngoài cò ốc và có nhiều loại chim khác về đây trú ngụ, sinh sống với số lượng lên đến hàng trăm ngàn con. Rừng tràm Gáo Giồng có môi trường tốt, mực nước khu vực trong rừng được đảm bảo theo chuẩn nên các loài thủy sinh, thủy sản phát triển nhanh. Thảm thực vật phục hồi và phát triển trong mùa nước là điều kiện thích hợp để các loài chim về đây quần tụ kiếm ăn.
Lúc bình minh hay hoàng hôn, rừng tràm Gáo Giồng sống động, nhộn nhịp với tiếng chim gọi đàn và từng đàn cò trắng, cò ốc từ bốn phương trở về tổ. Gáo Giồng hiện nay tổ chức cho khách du lịch đi bằng thuyền đến sân chim và tận mắt ngắm nhìn khoảng cách từ 5-10 mét cò ốc làm tổ, đút mồi cho con ăn hoặc xem nhiều loài chim khách về đây sinh sống.
Đặc biệt, Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng đã sưu tập, sưu tầm tre và trồng hơn 60 giống tre Việt Nam như tre gai, tre tầm vông, sọc vàng, tre hoa hậu, tre bườm móc, tre diễn đá, tre vầu, tre lò ô vàng… nhiều nhất là giống tre gai. Bộ sưu tập tre là một trong những công trình thuộc Dự án “Khu bảo tồn tre gắn với Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng”. Các giống tre trồng trên diện tích 15 ha, góp phần thu hút các loài chim, cò về đây trú ngụ, làm tổ.