BVR&MT – Nhờ có phong trào “Kinh doanh xanh” mà mỗi ngày, vài nghìn chiếc túi nilon không bị thải ra ngoài môi trường.
Quầy bánh mỳ của chị Phạm Thị Hải (49 tuổi) ở gần ga Yên Viên, thuộc tổ dân phố Vân, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội đã bán được gần 3 năm nay.
Những ngày đầu, giống như bao quầy hàng thực phẩm đường phố khác, chị dùng túi nilon để đựng bánh mỳ. Mỗi ngày, chị bán được khoảng 50 chiếc bánh, tương đương với ngần ấy chiếc túi nilon. Vị chi mỗi ngày chị mất khoảng 25-30 nghìn đồng tiền mua túi.
Nhưng từ khi được Chi hội phụ nữ của tổ dân phố Vân cũng như Hội Phụ nữ thị trấn Yên Viên tuyên truyền, vận động, chị Hải quyết định chuyển sang dùng túi giấy để đựng bánh mỳ. Từ ngày dùng sang túi giấy, chi phí cho bao bì cao hơn khoảng 30 nghìn đồng/ngày, tương đương khoảng 900 nghìn đồng/tháng.
Tuy nhiên, bà chủ quầy bánh mỳ cho biết, chị ủng hộ và sẵn sàng thay đổi thói quen của mình vì sức khoẻ người tiêu dùng cũng như để góp phần bảo vệ môi trường. Chị cũng cho biết, mặc dù chi phí tăng lên nhưng chị không tăng giá sản phẩm – vẫn giữ nguyên giá 15 nghìn đồng/chiếc.
“Tôi nghĩ rằng bình thường mình còn đi dọn đồ nhựa, túi nilon thì tại sao mình lại sử dụng và thải nó ra môi trường”.
Đó cũng là lý do chị Hải sử dụng túi giấy cho tới bây giờ. Chị kể, đợt dịch bệnh Covid-19, cơ sở sản xuất túi giấy không có hàng giao, chị còn phải dùng giấy trắng để lót bánh mỳ, vẫn quyết không dùng túi nilon.
“Tới đây, tôi định đặt túi giấy có quai để khách tiện treo móc vào xe” – chị Hải tiết lộ.
Chị Hải là một trong nhiều hộ kinh doanh khác ở tổ dân phố Vân nói riêng và thị trấn Yên Viên nói chung đang thực hiện mô hình “Kinh doanh xanh” do Hội Phụ nữ thị trấn Yên Viên phát động từ đầu năm 2020. Theo mô hình này, hội phụ nữ đã tuyên truyền và vận động các hộ kinh doanh đồ ăn sáng như bánh mỳ, xôi, bún chả và các món ăn đường phố khác chuyển từ túi nilon sang dùng túi giấy hoặc các loại lá như lá chuối, lá dong, lá sen…
Bà Khúc Thị Mỹ Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Yên Viên cho biết, ý tưởng này xuất phát từ phong trào chống rác thải nhựa dùng một lần do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động. Từ phong trào này, Hội Phụ nữ thị trấn Yên Viên đã nảy ra ý tưởng cụ thể hơn là thay thế túi nilon bằng túi giấy và các loại lá cây. Mục đích của phong trào nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những tác động tiêu cực của rác thải nhựa tới môi trường, từ đó thay đổi thói quen sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày và các hoạt động kinh doanh.
“Ban đầu, chúng tôi tập trung vào một số điểm trên địa bàn thị trấn, đặc biệt là khu vực chợ Vân – nơi có các hoạt động kinh doanh, buôn bán đông đúc. Chúng tôi bắt đầu bằng việc khuyến khích các chủ hàng sử dụng túi giấy vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, chứ chưa đòi hỏi phải thay đổi ngay thói quen. Nhiều chủ hàng cũng nói với chúng tôi rằng việc này rất khó bởi vì túi nilon rất tiện lợi và quan trọng hơn là giá thành rất rẻ” – bà Huệ chia sẻ.
Những ngày đầu tiên chỉ có 1-2 hộ đồng ý chuyển sang sử dụng túi giấy và lá cây để gói, một phần vì họ là hội viên hội phụ nữ, nên làm để “ủng hộ” là chính. Nhưng dần dần, sau một thời gian, chính khách hàng là những người cổ vũ và đề nghị các chủ hàng tiếp tục sử dụng bao bì giấy và lá cây, kể cả đắt hơn một chút họ cũng chấp nhận.
“Bao bì túi giấy đẹp hơn, sạch sẽ, văn minh, lại tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng. Nên giả sử giá thành có cao hơn một chút thì khách hàng vẫn vui vẻ. Không những thế, khi sử dụng túi giấy, người bán còn có thể in thông tin của cửa hàng lên, rất tiện cho người mua hàng” – bà Huệ cho biết.
Dần dần, phong trào sử dụng túi giấy, lá cây bọc gói của các hộ kinh doanh ở thị trấn Yên Viên phổ biến hơn. “Do nhu cầu của người tiêu dùng, cộng với việc được tuyên truyền nâng cao nhận thức, các chủ hàng người này nhìn người kia, đến nay, tất cả hàng bánh mỳ đều sử dụng bao bì giấy, còn hàng xôi thì dùng lá sen, lá chuối để gói. Các hàng bán bánh rán, thậm chí là bún chả cũng dùng hộp giấy thay cho hộp nhựa. Chỉ tính sơ sơ mỗi ngày 1 quầy hàng sử dụng khoảng vài chục chiếc túi nilon thì vài chục quầy hàng đã sử dụng tới vài nghìn chiếc, tương đương vài cân túi nilon. Số lượng túi nilon không bị thải ra môi trường mỗi tháng là một lượng đáng kể”.
Trong suốt 2 năm rưỡi thực hiện phong trào “Kinh doanh xanh”, thị trấn Yên Viên được ghi nhận là một trong những địa phương có sáng kiến thân thiện với môi trường, góp phần tạo không gian sống lành mạnh, văn minh.
Từ năm 2022, Hội phụ nữ thị trấn đã mở rộng và phát triển mô hình “Kinh doanh xanh” trở thành “Kinh doanh văn minh”. Cụ thể, ngoài việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, các hộ kinh doanh còn phải cam kết không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tham gia đóng thuế đầy đủ và kinh doanh thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.