BVR&MT – Trong những ngày qua, các tỉnh đồng bằng trung du, miền núi phía bắc có mưa lớn, đặc biệt tại một số địa phương lượng mưa từ 100-300mm, gây lũ trên các sông, suối ở mức báo động 2, có nơi lên mức báo động 3, làm thiệt hại lớn đối với sản xuất, đời sống người dân, hạ tầng giao thông, thủy lợi… Hiện công tác khắc phục đã, đang được chính quyền các tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, ổn định cuộc sống người dân.
Từ ngày 22 đến 24/5, do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao, địa bàn các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên… đã xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng, gây thiệt hại về người và tài sản.
Thiệt hại nặng nề
Tại vùng “rốn lũ” Nam Cường, huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn), nước lũ đã ngập trắng cánh đồng rộng hơn 100ha. Ðây là đồng đất sản xuất chính của người dân, nhưng cũng là nơi thường xuyên ngập úng khi mưa lũ. Chủ tịch UBND xã Nam Cường La Tiến Phóng cho biết, khoảng 80ha lúa, ngô của người dân sẽ mất trắng. Ðịa phương đang thống kê cụ thể để có phương án hỗ trợ người dân.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương trong tỉnh, ngoài “rốn lũ” Nam Cường, toàn tỉnh có 11ha hoa màu ở xã Khang Ninh và Chu Hương, huyện Ba Bể bị ngập úng; có 30m kênh mương tại xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới bị sạt lở; năm nhà dân ở huyện Chợ Ðồn bị sạt lở ta-luy dương. Trong hơn 10 ngày qua, mưa lũ đã làm một người tử vong (tại huyện Na Rì), ba người bị thương (tại huyện Ngân Sơn). Mưa lớn đã khiến 90 nhà bị sạt ta-luy; một nhà bị lũ cuốn trôi; hơn 359ha sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; 1.135 vật nuôi bị chết… Trên các tuyến đường giao thông có đến 135 điểm sạt lở; 14 cầu giao thông và cầu dân sinh bị hỏng, lũ cuốn trôi. Toàn tỉnh có 15 tuyến kênh bị vùi lấp, hư hỏng; bốn đập tạm bị trôi, một đập dâng và 40m kè bị xói lở; gần 5.600m đường ống nước sạch bị hỏng. Ước thiệt hại khoảng hơn 25 tỷ đồng.
Ðiều đáng lo ngại tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 407 điểm nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét, ngập úng, đe dọa tính mạng, tài sản của 2.154 hộ dân. Trong đó, chủ yếu là các điểm nguy cơ sạt lở đất với số hộ dân ảnh hưởng là 1.652 hộ. Tuy nhiên, vì thiếu kinh phí cho nên các điểm nguy cơ này chưa được xử lý dứt điểm, càng làm tăng thêm nỗi lo khi những ngày tới được dự báo sẽ còn tiếp tục có mưa to.
Tại Hà Giang, từ ngày 22/5 đến nay, mưa to liên tục trên diện rộng đã dẫn đến sạt lở đất, ngập úng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại nặng về tài sản, hoa màu của người dân. Xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên là địa phương trồng dưa hấu lớn nhất tỉnh vùng cao Hà Giang. Toàn xã có gần 50ha đất trồng dưa hấu, sản lượng hằng năm gần 900 tấn. Trong những năm gần đây, cây dưa hấu là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Thế nhưng, năm nay người dân xã Phong Quang đang đối mặt với vụ dưa hấu mất trắng, do mưa lớn kéo dài. Những ruộng dưa sai quả sắp đến kỳ thu hoạch bị ngâm trong nước bắt đầu có biểu hiện thối rữa, hư hỏng.
Theo Bí thư Ðảng ủy xã Phong Quang Giàng Xuân Vần, toàn xã có gần 50ha dưa hấu bị ngập úng. Hiện địa phương đang nỗ lực khơi thông kênh mương thoát lũ, nhưng do mưa liên tục, kéo dài cho nên nước ở những cánh đồng dưa không thoát kịp. Xã đã vận động người dân thu hoạch sớm. “Vụ dưa năm nay của xã coi như mất trắng, chính quyền xã đang kiểm đếm diện tích dưa hấu thiệt hại để báo cáo lên cấp trên hỗ trợ cho người dân”, Bí thư Vần nhấn mạnh.
Không chỉ ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có gần 200ha hoa màu, cây ăn quả, diện tích ao hồ bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Cùng với đó, sạt lở đất gây sập nhà dân, sạt lở đường gây ách tắc giao thông. Theo thống kê, tỉnh có 42 nhà dân bị đất đá sạt lở vào nhà, trong đó có một nhà bị sập hoàn toàn; hơn 100 điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên thôn với khối lượng đất đá sạt lở lên đến gần 4.000m3. Ước tổng thiệt hại hơn 6 tỷ đồng.
Sáng 24/5, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đi kiểm tra một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, hồ chứa lớn và chỉ đạo xả lũ hồ Núi Cốc. Nước lũ trên sông Công đổ về hồ Núi Cốc lưu lượng rất lớn, nước hồ dâng cao. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo xả lũ với lưu lượng 400m3/giây, tăng 100m3/giây so với ngày hôm trước, nếu lũ trên hồ vẫn dâng cao thì có thể xả 600m3/giây. Tính đến chiều ngày 24/5, toàn tỉnh Thái Nguyên có 1.220ha lúa, ngô, rau màu bị ngập úng làm giảm năng suất, trong đó thiệt hại nặng nhất là ở huyện Ðại Từ và thành phố Phổ Yên; hơn 40 điểm trên các tuyến đường giao thông bị ngập, chia cắt, sạt lở… Hàng chục hồ chứa lớn cao hơn ngưỡng tràn; 29 nhà dân có nguy cơ sạt lở, sập mái, ngập úng có nguy cơ phải di dời…
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) tỉnh Tuyên Quang, tính đến chiều 24/5, mưa lũ đã làm hai người chết do sạt lở đất, bốn người bị thương, 101 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 1.163,9ha lúa, 431,6ha hoa màu bị ngập nước; 583 con bò, lợn và gia cầm bị chết. Sạt lở 30m kè ta-luy dương trên quốc lộ 2 đoạn xã Trung Môn, huyện Yên Sơn. Tuyến giao thông đường tỉnh và đường huyện nhiều đoạn bị ách tắc cục bộ do mưa lũ với khối lượng 19.319,5m3… Ước tổng thiệt hại là gần 16 tỷ đồng.
Tập trung khắc phục hậu quả
Tại các địa phương, ngay sau khi xảy ra thiên tai, các cơ quan chức năng đã huy động lực lượng tại chỗ để khắc phục hậu quả. Trước mắt tập trung di dời các hộ gia đình có nhà bị sập, nhà trong khu vực nguy hiểm ra nơi ở mới. Mặt khác các tỉnh khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện nhanh chóng khắc phục, thông đường bị sạt lở.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn xảy ra mưa to. Sáng 24/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã họp khẩn với các địa phương để chỉ đạo PCTT. Theo đó, chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi các vùng có nguy cơ cao về sạt lở, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân; sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ” để xử lý, khắc phục kịp thời. Tuyên truyền cho người dân sinh sống quanh khu vực lòng hồ thủy điện không đánh bắt cá trên mặt hồ khi nhà máy thủy điện xả lũ, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Rà soát các tuyến đường, có cảnh báo ở những chỗ nguy cơ sạt lở, nhất là các tuyến đường ở hai huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần.
Ông Hoàng Hải Lý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: “Trong chiều 24/5, sở đã cử các đoàn công tác về các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, đối với diện tích lúa, ngô, lạc sắp đến kỳ cho thu hoạch nhưng bị ngập úng, chỉ đạo các địa phương cử lực lượng hỗ trợ bà con thu hoạch sớm theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Ðối với cây ăn quả, cây trồng chưa thể thu hoạch thì tổ chức khơi thông hệ thống kênh mương nhằm thoát lũ kịp thời. “Sau đợt mưa lũ này, chúng tôi cũng chỉ đạo các huyện, thành phố thống kê thiệt hại để trình tỉnh hỗ trợ người dân bị thiệt hại nhà cửa, hoa màu theo quy định”, ông Lý nhấn mạnh.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã họp khẩn, chỉ đạo chính quyền cơ sở thực hiện hiệu quả phương châm bốn tại chỗ để khắc phục hậu quả mưa lũ. Trong đó huy động lực lượng khẩn trương khơi thông dòng chảy, thực hiện các giải pháp tiêu thoát úng, lũ nhằm giảm thiệt hại đối với sản xuất đến mức thấp nhất; huy động phương tiện khắc phục sạt lở trên các tuyến đường để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân; cử lực lượng túc trực tại 41 ngầm tràn, điểm giao thông bị úng ngập nhằm tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Sẵn sàng di dời gần 30 gia đình có nguy cơ sạt lở, ngập úng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm bốn tại chỗ; rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, các khu vực trũng, thường xảy ra ngập úng, triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở sẵn sàng các phương án ứng phó, chủ động di chuyển người dân đến nơi an toàn; triển khai kiểm tra, rà soát các công trình giao thông, thủy lợi, nhất là các công trình đang thi công để bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý mọi tình huống có thể xảy ra ■