BVR&MT – Nhờ kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) và cơ cấu lại nợ công, tỷ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, chiều 23/5, Quốc hội nghe các Báo cáo quyết toán, kiểm toán quyết toán và thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Thu, chi NSNN đạt nhiều kết quả tích cực
Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020, dự toán NSNN năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở miền trung, Tây Nguyên,… tác động lớn đến toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, doanh nghiệp, người dân đồng hành ủng hộ đã góp phần hạn chế những tác động gây sốc, tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu chi NSNN năm 2020.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 2,91%, giảm so với kế hoạch 6,8% nhưng vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng dương. Thu NSNN xấp xỉ dự toán, riêng thu nội địa vượt dự toán, chi NSNN cơ bản bảo đảm thực hiện theo dự toán.
Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2020, quyết toán thu NSNN đạt 1.510.579,2 tỷ đồng, giảm 1,9% (28.473,6 tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 1.293.728,3 tỷ đồng, tăng 0,2% (2.951,9 tỷ đồng) so với dự toán; tỷ trọng thu nội địa đạt 85,6%, tăng so với các năm trước.
Chi NSNN đạt 1.709.523,7 tỷ đồng, bằng 96,4% (giảm 64.242,5 tỷ đồng) so với dự toán; trong đó chi đầu tư phát triển là 576.432,1 tỷ đồng, đạt 115,5% dự toán (tăng 77.161,5 tỷ đồng). Chi thường xuyên là 1.013.449,3 tỷ đồng, giảm 102.554,3 tỷ đồng (90,8%) so với dự toán, trong đó ngân sách trung ương giảm 40.563,1 tỷ đồng, ngân sách địa phương giảm 61.991,2 tỷ đồng.
Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên bằng 62,9% tổng chi NSNN; không kể chi tạo nguồn cải cách tiền lương, thì bằng 59,5%, theo đúng định hướng Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại NSNN.
Đánh giá thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, với kết quả quyết toán NSNN năm 2020 như trên, tổng thu NSNN 5 năm 2016-2020 đạt 6,918 triệu tỷ đồng, bằng 100,8% kế hoạch; tỷ lệ huy động đạt 25,3% GDP (mục tiêu là 23,5% GDP); cơ cấu thu chuyển biến tích cực, theo hướng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt 85,6% tổng thu NSNN (mục tiêu là 84-85%).
Đến năm 2020, có 19 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 15 nghìn tỷ đồng (năm 2016 có 13 địa phương), 30 địa phương thu trên 10 nghìn tỷ đồng (năm 2016 có 17 địa phương), 17 địa phương thu ngân sách dưới 5 nghìn tỷ đồng (năm 2016 có 30 địa phương).
Tổng chi NSNN 5 năm 2016-2020 khoảng 7,325 triệu tỷ đồng, bằng 91,3% kế hoạch 5 năm; nhưng riêng chi đầu tư phát triển 5 năm đã bố trí đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng (kế hoạch là 2 triệu tỷ đồng); tỷ trọng chi đầu tư phát triển thực hiện bằng khoảng 29% tổng chi NSNN (mục tiêu là 25-26%).
Đồng thời, đã quản lý, điều hành chặt chẽ bội chi NSNN, bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP (mục tiêu là không quá 3,9% GDP), giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,4% GDP, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế cùng kỳ không đạt kế hoạch và tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trong năm 2020.
Nhờ kiểm soát bội chi NSNN và cơ cấu lại nợ công, tỷ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020; kỳ hạn nợ được kéo dài, chi phí huy động giảm, củng cố an toàn, an ninh tài chính quốc gia, giúp tạo dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó kịp thời với dịch bệnh.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng NSNN
Đánh giá kết quả thu, chi NSNN năm 2020, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình khó khăn do tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, kết quả thu NSNN năm 2020 đạt xấp xỉ dự toán (bằng 98,1%), thể hiện rõ sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tỷ trọng chi thường xuyên sau quyết toán chỉ gần 59,3% tổng chi NSNN (dự toán là 62,91%), cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong tiết kiệm chi tiêu thường xuyên.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, bên cạnh các kết quả đạt được, trong thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm lưu ý.
Trong đó, thu ngân sách trung ương không đạt dự toán, chỉ chiếm gần 52,1% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra (60-65%). Huy động từ thuế, phí chỉ đạt 19,1% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 21% GDP. Công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của các địa phương nhiều năm không sát khả năng thu, thấp hơn nhiều so với thực hiện năm trước.
Ngoài ra, công tác quyết toán các dự án hoàn thành còn chậm, số dự án không bảo đảm thời gian thẩm tra, phê duyệt, chậm lập hồ sơ quyết toán còn lớn (chiếm 10,8% dự án hoàn thành); số dư tạm ứng chưa thu hồi thuộc kế hoạch vốn năm 2020 nguồn ngân sách trung ương của các bộ, cơ quan trung ương rất lớn (chiếm 22,2% số vốn kế hoạch và chiếm gần 27% số vốn giải ngân).
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc đánh giá ước tình hình thực hiện thu, chi NSNN năm 2020, khi chỉ còn 2 tháng kết thúc niên độ NSNN vẫn đề xuất Quốc hội điều chỉnh tăng bội chi ngân sách trung ương thêm 133.500 tỷ đồng, nhưng thực tế thực hiện thấp hơn dự toán ban đầu.
Ngoài ra, Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế, đặc biệt đối với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hàng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn, nên xây dựng, cân đối không đầy đủ các khoản vượt thu này, dẫn đến bị động trong quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, không phát huy được hết hiệu quả đầu tư từ nguồn thu này.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý cụ thể đối với tổ chức, cá nhân nhiều năm vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN; thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng NSNN theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội.