BVR&MT – Xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng với hệ thống các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Tam Đảo tích cực đẩy mạnh xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Những năm gần đây, loại hình du lịch cộng đồng ở huyện Tam Đảo phát triển mạnh, thu hút nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia các hoạt động như khám phá cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu phong tục tập quán của người dân bản địa, tham gia thực hành các giá trị văn hóa phi vật thể, trải nghiệm thực tế làm nghề thủ công truyền thống… Tam Đảo hiện có hơn 42% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Sán Dìu. Hiện nay, người Sán Dìu còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như hát soọng cô, trang phục, ẩm thực, các lễ hội truyền thống…
Ngoài ra, Tam Đảo có hệ thống cảnh quan thiên nhiên, khí hậu mát mẻ, trong lành. Tuy nhiên, đến nay, những tiềm năng này chưa được khai thác để phát triển du lịch cộng đồng. Trên địa bàn huyện chưa có các điểm du lịch cộng đồng, cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, người dân địa phương chưa chủ động tham gia du lịch cộng đồng.
Trước thực tế đó, huyện Tam Đảo đẩy mạnh xây dựng làng văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trên địa bàn huyện có 3 làng văn hóa trọng điểm, được xây dựng theo Đề án Xây dựng làng văn hóa trọng điểm của UBND tỉnh, gồm làng Bảo Phác, thị trấn Hợp Châu; làng Đạo Trù Thượng, xã Đạo Trù; làng chùa Vàng, xã Minh Quang. Đây là những ngôi làng có bề dày lịch sử – văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình, có các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu nằm trong các tour, tuyến du lịch theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Làng Đạo Trù Thượng có 100% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Hiện nay, người dân còn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào, đặc biệt là điệu hát soọng cô. Trong làng có nhiều câu lạc bộ soọng cô, các thành viên thường xuyên tổ chức các buổi diễn xướng, đồng thời, tích cực giao lưu với các câu lạc bộ ở trong và ngoài tỉnh.
Với nguồn kinh phí từ ngân sách và vận động xã hội hóa, làng Đạo Trù Thượng đã hoàn thành xây dựng Trung tâm Văn hóa – Thể thao của thôn. Công trình có diện tích hơn 5.000 m2, gồm các hạng mục như hội trường, nhà chức năng (thư viện, phòng truyền thống…), sân thể thao và các công trình phụ trợ. Dự kiến, công trình sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Ngoài ra, ngôi làng giáp với Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên là lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, các tiềm năng, lợi thế này chưa được khai thác để phát triển du lịch. Ông Lê Văn Tiến, người dân thôn Đạo Trù Thượng cho biết, hằng năm, ông tiếp một số đoàn khách du lịch là những người trẻ đi phượt, trải nghiệm khám phá thiên nhiên, phong tục tập quán của người dân địa phương, nhưng lượng khách này rất ít. Do không có các dịch vụ du lịch đi kèm nên du khách không lưu trú tại đây. Không chỉ làng Đạo Trù Thượng, mà hầu hết các làng văn hóa trọng điểm trên địa bàn huyện Tam Đảo chưa khai thác được lợi thế sẵn có để phát triển du lịch cộng đồng. Để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch cộng đồng tại Tam Đảo, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tam Đảo đã xây dựng Đề án Làng văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Dìu tại thôn Tân Phú, xã Đạo Trù. Với tổng diện tích quy hoạch khoảng 5 ha, đây là vị trí thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng.
Theo ông Lý Ngọc Một, Chủ tịch UBND xã Đạo Trù, Làng văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Dìu sẽ khôi phục và tạo dựng các ngôi nhà sàn, nhà gỗ 2 mái của đồng bào dân tộc Sán Dìu xưa; trưng bày các công cụ nông nghiệp của dân tộc Sán Dìu phục vụ du khách tham quan. Hát Soọng cô cùng các loại hình văn nghệ khác được diễn xướng để phục vụ nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách. Việc xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng giúp người dân địa phương hiểu được ý nghĩa của phát triển du lịch, chủ động tham gia vào quá trình phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Hậu Thạch