BVR&MT – Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không còn xa lạ với nhiều địa phương, đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận, với thế mạnh con giống thủy sản được nhiều nơi biết đến. Nhu cầu thị trường hiện nay luôn đòi hỏi sản phẩm chất lượng, có ưu thế cạnh tranh và tỷ lệ hao hụt thấp nhất, tỉnh Ninh Thuận đã nhanh chóng tạo điều kiện cho ngành giống thủy sản được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nâng cao giá trị tăng trưởng
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được thực tế chứng minh mang lại hiệu quả cao cả về chất lượng và giá trị. Chính vì vậy, UBND tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2021 đến 2025 từ 3-4%/năm; trong đó, ưu tiên mức tăng trưởng nông nghiệp công nghệ cao từ 30-40%/năm.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Ninh Thuận có nhiều kế hoạch để hình thành các vùng, các dự án có quy mô và sản xuất các mặt hàng nông sản có chất lượng cao, đưa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trở thành mũi nhọn kinh tế của địa phương.
Ninh Thuận có từ 3-5 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000 ha, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 700 triệu đồng/ha. Ninh Thuận phấn đấu đến 2025 có khoảng 30 dự án nông nghiệp công nghệ cao hoạt động hiệu quả, trong đó mỗi huyện có từ 4-6 dự án, ưu tiên lựa chọn phát triển sản phẩm đặc thù có tiềm năng xuất khẩu. Một trong những sản phẩm điển hình là sản xuất giống thủy sản.
Từ lâu, Ninh Thuận được cả nước biết đến là trung tâm cung ứng giống thủy sản cho 62 tỉnh, thành phố có nhu cầu nuôi thủy sản các loại, thậm chí Ninh Thuận còn có “tham vọng” xuất khẩu giống thủy sản chất lượng cao cho khách hàng quốc tế.
Theo ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Binh Thuận, đến năm 2025, Ninh Thuận kỳ vọng sản lượng tôm giống toàn tỉnh đạt trên 50 tỷ con; chủ động khoảng 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 40% tôm sú bố mẹ, có hơn 10% số cơ sở sản xuất có quy mô sản xuất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm, 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát an toàn dịch bệnh. Địa phương sẽ tập trung ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, khác biệt, có lợi thế của tỉnh, nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, phát huy đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đón đầu cơ hội ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống thủy sản, nhiều doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản tại Ninh Thuận đã nhanh chóng đầu tư công nghệ, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách và pháp lý để việc ứng dụng công nghệ cao thực hiện hiệu quả.
Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận cho biết, Công ty cổ phẩn Đầu tư S6 đi tiên phong ứng dụng công nghệ vào sản xuất tôm giống với quy trình khép kín bằng việc nuôi cấy tảo thuần chủng trong hệ thống tuần hoàn, ươm nuôi ấu trùng bằng công nghệ vi sinh, ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh tôm, nên sản phẩm luôn được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, đánh giá cao về chất lượng.
Xu thế phát triển về khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 đã thúc đẩy nghề sản xuất giống thủy sản nói chung, tôm giống nói riêng lên tầng cao mới. Thông tin từ Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận, hiện có nhiều cơ sở sản xuất tôm giống đã ứng dụng công nghệ xử lý nước đầu vào bằng hệ thống siêu lọc, tích hợp tia UV, Ozone, một số công ty cung cấp sản phẩm chuyên sâu giúp cải thiện chất lượng và hiệu quả của nghề sản xuất tôm giống như gia hóa tại chỗ, thức ăn tươi sống sạch bệnh cho tôm bố mẹ và thức ăn tươi sống chất lượng cao cho ương nuôi ấu trùng.
Cùng với đó, tập trung cải tiến quy trình sản xuất và quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn BMP, VietGAP, Global GAP để doanh nghiệp nhận được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng tôm giống theo tiêu chuẩn mới là chiến lược “sống còn” của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, ông Lê Văn Quê cho biết thêm.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống thủy sản là việc mà bất kì doanh nghiệp nào trong ngành giống thủy sản Ninh Thuận cũng mong muốn thực hiện. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ “lực” đầu tư và thực hiện. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ chưa có điều kiện để đầu tư trang thiết bị, công nghệ, do thiếu vốn. Cụ thể, trong số 130 cơ sở, tập đoàn, công ty sản xuất tôm giống tại Khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải (Ninh Phước) chỉ có có 47 công ty lớn đủ khả năng đầu tư công nghệ hiện đại, số còn lại đang gặp khó khăn về tài chính, ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận chia sẻ.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, tỉnh Ninh Thuận cũng có kế hoạch hỗ trợ hình thành từ 2-3 doanh nghiệp nông nghiệp và công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc doanh nghiệp có quy mô hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp làm hạt nhân cho các kế hoạch này.
Tỉnh Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực triển khai thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đó là tăng cường tuyên truyền về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận cũng đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật các vùng sản xuất, khu nông nghiệp công nghệ cao tăng cường nghiên cứu, lựa chọn giống và các quy trình, công nghệ sản xuất.
Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030 chỉ ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội, vừa là thách thức.
Đó là, thị trường tiêu thụ và hành hóa nông sản của Việt Nam ngày càng được mở rộng, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp giai đoạn tới có xu hướng phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, kế thừa những kết quả đạt được và các bài học kinh nghiệm để tránh trong giai đoạn tiếp theo. Tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, đạt sản lượng từ 50-65 tỷ con giống chất lượng cao.
Để có thể làm được điều này, UBND tỉnh Ninh Thuận có chính sách thu hút nguồn nhân lực nông nghiệp, bố trí kinh phí thỏa đáng từ nguồn ngân sách của tỉnh cho công tác đào tạo nhân lực ở các lĩnh vực then chốt như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và khoa học quản lý.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, chính quyền địa phương luôn tăng cường đối thoại doanh nghiệp, hỗ trợ, đồng hành giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắt trong quá trình thực hiện.
Đồng thực hiện chính sách này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đồng lòng phối hợp để thúc đẩy nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thực thi hiệu quả nhất, mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất cho tỉnh Ninh Thuận.